Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ

Việt Hưng - 17:34, 25/12/2020

TheLEADER"Make in Viet Nam" đang trở thành một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam; thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.

Sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%.

Hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp và mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.

"Make in Viet Nam" đang trở thành một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam; thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới ngày càng bé lại, có nhiều biến động và cũng nhạy cảm hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cả an toàn, an ninh mạng.

Điển hình, dịch bệnh Covid-19 thậm chí đã có thể làm đảo lộn thế giới, nhiều ngành sản xuất phải mất nhiều năm mới quay lại được trạng thái như trước đây.

Do đó, để đất nước phát triển nhanh hơn thì công nghệ thông tin, công nghệ số phải đi nhanh hơn nữa bằng những mô hình, giải pháp của Việt Nam.

Chính phủ luôn ủng hộ các sáng kiến nhằm khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, sự thôi thúc người Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, để chủ động, sáng tạo ra những giải pháp công nghệ, thiết kế những sản phẩm mới có chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt.

"Công nghệ có thể chưa hoàn toàn là của Việt Nam. Chúng ta cũng không có tham vọng thay tất cả các tập đoàn khổng lồ trên thế giới để làm tất cả các công nghệ nền tảng nhưng quan trọng nhất là làm chủ và có giải pháp để sử dụng hiệu quả nhất. Tinh thần này không chỉ được khơi dậy, thôi thúc trong cộng đồng doanh nghiệp số mà phải đến với mọi doanh nghiệp Việt Nam và ra toàn xã hội", Phó Thủ tướng chia sẻ.

4 lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng

Để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm, Chính phủ đề ra 4 lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng gồm: Công nghệ số; Vật lý; Công nghệ sinh học; Năng lượng và môi trường.

Lĩnh vực công nghệ số bao gồm: Trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; công nghệ phân tích dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên; điện toán lượng tử; công nghệ mạng thế hệ sau; thực tại ảo, thực tại tăng cường, thực tại trộn; công nghệ an ninh mạng thông minh, tự khắc phục và thích ứng; bản sao số; công nghệ mô phỏng nhà máy sản xuất; nông nghiệp chính xác.

Lĩnh vực vật lý: Robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện bay không người lái, phương tiện tự hành dưới nước; in 3D tiên tiến; công nghệ chế tạo vật liệu nano, thiết bị nano; công nghệ chế tạo vật liệu chức năng; công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ; công nghệ ánh sáng và quang tử.

Lĩnh vực công nghệ sinh học: Sinh học tổng hợp; công nghệ thần kinh; tế bào gốc; công nghệ Enzyme; tin sinh học; chip sinh học và cảm biến sinh học; y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới.

Lĩnh vực năng lượng và môi trường: Công nghệ chế tạo pin nhiên liệu; công nghệ tổng hợp nhiên liệu sinh học tiên tiến; năng lượng Hydrogen; quang điện; công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến; công nghệ tiên tiến trong thăm dò, thu hồi dầu và khí; thu thập và lưu trữ các bon; năng lượng vi mô; công nghệ tua bin gió tiên tiến; công nghệ năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương và năng lượng sóng; lưới diện thông minh.

"Make in Vietnam" là một khẩu hiệu hành động

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tái khẳng định, "Make in Vietnam" là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Và Việt Nam đang chứng tỏ điều đó.

"Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời COVID-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này", Bộ trưởng chia sẻ.

Một trong những bước tiến được Bộ trưởng nhấn mạnh là Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G. Đây là kết quả của sự lao động sáng tạo và quyết tâm bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.

Ông Phạm Kim Hùng, Founder & CEO của Base.vn - đơn vị đạt giải Nhất nền tảng số xuất sắc của Chương trình giải thưởng sản phẩm số "Make in Vietnam" cho biết, sau nhiều năm được nghe chia sẻ của 5.000 CEO với hàng nghìn bài toán quản trị, ông nhận ra rằng, các công ty Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ không những trong nước mà còn trên thế giới. Để chiến thắng trên chính sân nhà và cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung phát triển sản phẩm, luôn làm việc để kiến tạo các sản phẩm tốt hơn trước.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng chia sẻ, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ.