Việt Nam sẽ tăng thêm 240.000 người nghèo nếu tăng thuế VAT

An Chi - 10:07, 29/06/2018

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nếu tăng thuế VAT chỉ để phục vụ chi tiêu thường xuyên của Chính phủ sẽ khiến người dân khó khăn và đất nước nghèo đi.

Việt Nam sẽ tăng thêm 240.000 người nghèo nếu tăng thuế VAT
Tăng thuế VAT sẽ tác động lớn nhất đối với người nghèo

VAT là thuế dễ thu nhất

Sự suy giảm nguồn thu từ dầu thô rất mạnh sau năm 2014, từ 12,7% năm 2013 xuống 3,52% năm 2016 đã dẫn đến việc Chính phủ phải đẩy mạnh thu nội địa từ thuế để bù đắp các khoản thiếu hụt trong ngân sách.

Trước đó, trong các đề xuất đưa ra giữa năm 2017 Bộ Tài chính từng muốn tăng thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế 5% lên 6%; nhóm mặt hàng dịch vụ thuế 10% lên 12% từ đầu năm 2019.

Đề xuất này của Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản đối rất lớn của dư luận, theo nhiều chuyên gia, nếu tăng thuế VAT sẽ gây tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, đẩy gánh nặng thuế lên vai toàn dân, nhất là đối tượng người dân có thu nhập thấp. 

Về vấn đề này, tại hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình", ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong bối cảnh chi thường xuyên tăng cao dẫn đến thâm hụt ngân sách của Việt Nam lên tới 6 - 7%, cao hơn nhiều trung bình các nhóm nước và ASEAN-5, thu ngân sách hầu như chỉ đủ cho chi thường xuyên và một phần nhỏ để trả nợ.

Theo ông Hiệp, hiện tổng chi ngân sách ở mức 28 - 31% GDP với 2/3 là chi thường xuyên, điều này khiến chi đầu tư phát triển bị hạn chế, thậm chí giảm dần tính theo % GDP/nợ. Vừa qua, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi tiêu nhưng chi thường xuyên vẫn không giảm. 

Trong khi đó, nguồn viện trợ không hoàn lại có xu hướng giảm dần từ sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, thuế đang là nguồn thu ngân sách lớn nhất chiếm 75 - 80%. 

Ông Hiệp cho rằng, hiện có 11 loại thuế chính đóng góp cho ngân sách. Động viên ngân sách từ thuế của Việt Nam tương đối cao trong khu vực, nhiều năm tiến sát mức trung bình của nhóm thu nhập cao. Điều này phản ánh gánh nặng thuế đương đối lớn lên người dân Việt Nam. Trừ thuế tài nguyên, 10 loại thuế được phân ra thành hai loại trực thu và gián thu. 

Trong những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của thuế trực thu đang giảm dần, đồng nghĩa với tỷ trọng tăng dần của thuế gián thu. Năm 2016, mức đóng góp của thuế gián thu vào tổng thu thuế đã tăng lên trên 60% trong khi đóng góp của thuế trực thu giảm xuống dưới 40%.

Số liệu của VEPR đưa ra cũng cho thấy, thuế VAT hiện nay là nguồn thu từ thuế lớn nhất cho ngân sách Việt Nam, chiếm 25% thu ngân sách và 1/3 tổng thu thuế. Các chỉ số thường được dùng để đo lường hiệu quả hành thu thuế VAT bao gồm: tỷ số năng suất VAT và tỷ số hiệu suất C. 

Theo ông Hiệp, cả hai chỉ số này của Việt Nam đều tương đối cao, phản ánh sự hành thu VAT khá hiệu quả. Đặc biệt, tỷ số hiệu suất C phản ánh việc tăng ngân sách từ VAT tại Việt Nam hầu như chỉ còn con đường nâng thuế suất. Mức hành thu VAT ở Việt Nam tương đối hiệu quả. Việc tăng thu ngân sách từ VAT hầu như chỉ còn phương án tăng thuế suất.

"Nếu chỉ phục vụ chi thường xuyên, tăng thuế VAT sẽ chỉ khiến đất nước nghèo đi"

Về những tác động của việc tăng thuế VAT đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế, TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, tăng thuế VAT đồng nghĩa với việc tăng giá bán các sản phẩm hàng hoá và người tiêu dùng là người chịu thuế chính

Tăng giá hàng hoá trong khi thu nhập của người dân không đổi sẽ làm giảm tiêu dùng và phúc lợi của hộ gia đình. Theo kết quả dự báo, tăng thuế VAT ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân số, đặc biệt đến các nhóm nghèo.

"Nếu chỉ phục vụ chi thường xuyên, tăng thuế VAT sẽ chỉ khiến đất nước nghèo đi" 1
TS. Nguyễn Việt Cường

Ông Cường cho rằng, với phương án tăng thuế VAT lên 1,2% (mặt hàng thuế 5% tăng lên 6%, mặt hàng thuế 10% tăng lên 12%), tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26%, tương ứng với khoảng 240 nghìn người nghèo tăng lên.

Với phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10%, tác động nhỏ hơn một chút. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Xét về tác động lên nghèo đói, ông Cường cho rằng, VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo.

Các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động nghèo đói từ việc tăng thuế, vị chuyên gia này cho hay.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho rằng, thuế VAT là thuế chủ yếu đánh vào đối tượng người tiêu dùng, càng tiêu dùng nhiều càng bị ảnh hưởng,

Mặt khác, về góc độ bình đẳng giới, các cải cách thuế gián thu, trong đó có VAT không đưa lại các thiên kiến giới trực tiếp nhưng gián tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ do phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn, lao động trong khu vực có trình độ chuyên môn và tay nghề thấp và/hoặc trong khu vực phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công thấp hơn so với nam giới.

Theo ông Thành, dưới góc độ vĩ mô, các kết quả nghiên cứu đều cho thấy sản lượng của nền kinh tế đều không được cải thiện, tuy nhiên lại làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển thì sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.

"Điều quan trọng là sử dụng nguồn thuế thu được như thế nào? Với bộ máy hành chính lớn như hiện nay, nếu thu thuế chỉ để phục vụ chi tiêu thường xuyên của Chính phủ, sẽ chỉ làm cho người dân khó khăn và đất nước nghèo đi mà thôi", ông Thành nhận định.