Việt Nam trong chiến lược châu Á của giới kinh tế Đức

Hoài An - 14:48, 21/05/2021

TheLEADERChâu Âu cần đặt trọng tâm phát triển kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam được giới kinh tế Đức đánh giá là điểm đến đầu tư quan trọng trong khu vực.

Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức (APA) mới đây kêu gọi Liên minh châu Âu tăng cường sự hiện diện và hợp tác thương mại đầu tư tại châu Á.

Theo đó, châu Âu cần chú trọng và thu hút mọi sự tập trung vào khu vực tăng trưởng kinh tế quan trọng này, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế với khu vực thông qua chính sách kinh tế đối ngoại linh hoạt và quyết đoán.

APA cho rằng các chiến lược đầu tư tầm cỡ vào các lĩnh vực trọng yếu như phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo sẽ khiến châu Âu trở thành đối tác tiềm năng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một chiến lược toàn diện dành cho khu vực này cần có một lộ trình rõ ràng để nâng tầm quan hệ một cách tương xứng với vị thế ngày càng lớn mạnh, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.

Việt Nam được giới kinh tế Đức nhận định là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, là đối tác quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại châu Á – Thái Bình Dương với lợi thế quan trọng là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và chất lượng cao giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Khảo sát mới nhất từ Phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức với kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế trong trung hạn.

Cụ thể, 47% công ty Đức tại Việt Nam có khuynh hướng mở rộng hoạt động kinh doanh và 50% trong số họ có ý định sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm 2021 – 2022.

Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều con số của khảo sát năm ngoái, với kết quả lần lượt là 22,7% và 27,3% cho ý định mở rộng kinh doanh và tuyển thêm nhân sự.

Một phần ba số người tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa đầu năm nay, trong khi 30% nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra vào năm 2022.

Ông Joe Kaeser, Chủ tịch APA, nhấn mạnh châu Âu và các quốc gia thuộc khối liên minh cần nhanh chóng thiết lập một chính sách kinh tế chung dành riêng cho châuÁ – Thái Bình Dương – khu vực đang trở thành động lực phát triển quan trọng nhất của toàn cầu.

Đây sẽ là chiến lược quan trọng để nâng tầm quan hệ một cách tương xứng với vị thế ngày càng lớn mạnh của châu Âu tại khu vực.

Ngoài thị trường Trung Quốc, giới doanh nghiệp Đức cần nhìn nhận vị thế chiến lược và quan trọng của các thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai.

Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng không đồng nghĩa với việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc mà đòi hỏi châu Âu cần sớm thiết lập chiến lược phát triển kinh tế toàn diện nhằm tiếp cận các thị trường tiềm năng tại khu vực này một cách hiệu quả nhất.

Qua đó, APA kêu gọi Liên minh châu Âu sớm hoàn thiện chính sách đối ngoại và kinh tế thống nhất, hiệu quả, linh hoạt đối với châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoài các chính sách về kinh tế ngoại thương, APA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của châu Âu, theo đó cần đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp của tương lai như đổi mới sáng tạo và bền vững.