Vietcombank và VIB vượt qua 8 ngân hàng về đích Basel II trước một năm

Minh An - 10:40, 29/11/2018

TheLEADERĐây là 2 trong 10 ngân hàng được lựa chọn thực hiện thí điểm triển khai Basel II từ nhiều năm trước, các ngân hàng còn lại gồm Vietinbank, BIDV, ACB, VPBank, Techcombank, MB, Maritime Bank và Sacombank.

Hôm 28/11, Ngân hàng Nhà Nước đã trao quyết định áp dụng trước hạn chuẩn mực an toàn vốn Basel II cho Vietcombank và VIB từ ngày 1/1/2019, sớm hơn 1 năm so với quy định của thông tư 41.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank và VIB đã thể hiện rõ quyết tâm triển khai áp dụng chuẩn mực của Ủy ban Basel trong quản lý rủi ro và quản trị ngân hàng thông qua việc phối hợp cùng các công ty tư vấn phân tích hiện trạng, rà soát chênh lệch khoảng cách về quản trị điều hành, cơ sở dữ liệu…, từ đó xây dựng lộ trình tổng thể triển khai Basel II.

Đồng thời hai ngân hàng đã tổ chức xây dựng và triển khai hàng loạt dự án phục vụ cho việc triển khai áp dụng Basel II, bao gồm: (i) hệ thống công nghệ thông tin, phát triển phần mềm đo lường, quản lý rủi ro, tính vốn; (ii) sửa đổi, ban hành chính sách, quy trình về quản trị ngân hàng và quản lý rủi ro; (iii) thu thập, quản lý, chuẩn hóa dữ liệu; (iv) cơ cấu lại danh mục tài sản và thực hiện các giải pháp nhằm tăng vốn; (v) các giải pháp liên quan đến phương pháp kiểm toán nội bộ;…

Vietcombank hiện là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành ngân hàng. Giá trị vốn hóa gần 9 tỷ USD cao gấp đôi so với BIDV và Vietinbank.

Ngân hàng có tổng tài sản xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng, trong đó quy mô cho vay khoảng 627 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang huy động khoảng 773 tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng.

Cả năm ngoái, Vietcombank đạt trên 11.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đây là con số kỷ lục trong ngành ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm nay Vietcombank đã đạt 11.683 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu 13.300 tỷ đồng.

Vietcombank đang thực hiện mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất Châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, được quản trị theo các chuẩn mực quốc tế tốt nhất.

Trong khi đó VIB là ngân hàng quy mô vừa với giá trị vốn hóa dưới 1 tỷ USD. Đến cuối tháng 9, ngân hàng có tổng tài sản khoảng hơn 132 nghìn tỷ đồng. Quy mô cho vay của VIB hiện khoảng 90 nghìn tỷ đồng và tổng tiền gửi khách hàng gần 80 nghìn tỷ đồng.

Năm ngoái ngân hàng đạt 1.124 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và trong 9 tháng đầu năm nay con số này là 1.720 tỷ đồng

Thông báo của ngân hàng cho biết, kết quả triển khai thành công Basel II đã giúp VIB đưa ra các chiến lược kinh doanh và hoạch định tốt chính sách khách hàng, sản phẩm, quản trị rủi ro và chính sách giá để tối ưu hóa vốn, tài sản có rủi ro.

Trước đó, tháng 7/2018, VIB trở thành ngân hàng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn tất việc mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), để đưa bảng cân đối tài chính thực sự về một sổ - một bước quan trọng để thực hiện Basel II.

Trước đó, vào cuối năm ngoái ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng công bố đã hoàn tất việc triển khai dự án Basel II với các nền tảng cho một ngân hàng hiện đại, an toàn với các yêu cầu về vốn, rà soát và giám sát, minh bạch thông tin. Ngân hàng này cùng với TPBank mới đây cũng đăng ký áp dụng Basel II trước hạn.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Basel II sử dụng khái niệm “3 trụ cột chính” gồm:

Trụ cột I: Yêu cầu vốn tối thiểu. Nhắc đến việc duy trì một lượng vốn pháp định được tính toán cho ba thành phần rủi ro mà ngân hàng đối mặt: rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành

Trụ cột II: Rà soát và giám sát. Đặt ra các nguyên tắc về giám sát và quản lý rủi ro thông qua hệ thống quản trị với 3 lớp phòng thủ và các quy định khắt khe trong quy trình quản lý an toàn vốn của Ngân hàng, cũng như vai trò giám sát của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước.

Trụ cột III: Nguyên tắc thị trường và công khai thông tin. Các ngân hàng sẽ được yêu cầu công khai thông tin tập trung vào các thông số quan trọng, nguy cơ rủi ro và quản lý rủi ro. Những công khai như vậy được xem như là một điều kiện tiên quyết cho tính hiệu quả hoạt động của nguyên tắc thị trường ngân hàng