Viettel hâm nóng cuộc đua siêu ứng dụng tại Việt Nam

Việt Hưng - 14:23, 27/06/2019

TheLEADERKhông dừng lại ở hoạt động giao vận, ứng dụng MyGo của Viettel Post thuộc Tập đoàn Viettel giờ có thêm cả dịch vụ gọi xe, bán hàng đa kênh, chuyển tiền, kinh doanh thương mại điện tử.

Vài năm trước, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng cung cấp dịch vụ kết nối trên nền tảng công nghệ, như ứng dụng gọi xe, đặt phòng, hay ví điện tử, thì giờ đây, cuộc đua này đã thay đổi khi các ứng dụng không còn cung cấp dịch vụ đơn lẻ, mà thay vào đó là mô hình các siêu ứng dụng.

Động lực để các siêu ứng dụng ra đời tại Việt Nam là nước ta hiện đứng thứ 25 trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu smartphone trong tổng dân số nhiều nhất trên thế giới và đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ người dân Việt sở hữu điện thoại thông minh hiện đạt 53%.

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Tính riêng trong giai đoạn 2015 - 2017, lượng người Việt dùng smartphone đã tăng tới 18% mỗi năm, theo số liệu của công ty nghiên cứu Pew Research Center.

Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đạt được tăng trưởng GDP cao nhất trong gần 1 thập kỷ, dân số trẻ, năng động, ưa thích khám phá, tìm kiếm những trải nghiệm mới, thì chỉ niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng lên, sẵn sàng chi nhiều tiền hơn.

Báo cáo e-Conomy SEA 2018 công bố bởi Google và Temasek cho thấy, Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng với nền kinh tế Internet đang bùng nổ. Xét về quy mô, thị trường Việt Nam ước tính giá trị 9 tỷ USDtrong năm 2018. Dự kiến, tới năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD, tăng trưởng 33%/năm.

Trụ cột của nền kinh tế số theo Google và Temasek xoay quanh 4 lĩnh vực chính là: thương mại điện tử; gọi xe - giao hàng - giao đồ ăn; truyền thông - quảng cáo; và du lịch trực tuyến. Đây đồng thời cũng là 4 lĩnh vực đang được các siêu ứng dụng tại Việt Nam chạy đua quyết liệt.

Viettel hâm nóng cuộc đua siêu ứng dụng tại Việt Nam
Nền kinh tế tại Đông Nam Á được hình thành bởi 4 lĩnh vực chính là: thương mại điện tử; gọi xe - giao hàng - giao đồ ăn; truyền thông - quảng cáo; và du lịch trực tuyến.

Dễ nhận thấy nhất là những bước đi của Grab. Sau khoảng 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Grab nhanh chóng đón đầu xu hướng trở thành một siêu ứng dụng. Hơn 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) đã được công ty này đổ vào Việt Nam nhằm tranh giành ngôi vị thị phần số một.

So với những ngày đầu, Grab không chỉ cung cấp dịch vụ gọi ô tô, hay xe máy. Ứng dụng Grab giờ đây tràn ngập các dịch vụ, tiện ích như: thanh toán, thu hộ, chi hộ, giao hàng, giao đồ ăn, hay mới đây nhất là đặt phòng khách sạn. Tất nhiên, để cung cấp được tất cả các dịch vụ này, đội ngũ đối tác tài xế Grab tại Việt Nam quy tụ tới 175.000 người.

Không kém cạnh Grab, trong năm 2018, Zalo tuyên bố có hơn 100 triệu người dùng. Từ một nền tảng nhắn tin trực tuyến, Zalo tích hợp thương mại điện tử, tra cứu địa điểm ăn uống, đặt lịch khám, thanh toán hóa đơn và các dịch vụ liên quan chính phủ điện tử… Công ty được cho là đang thử nghiệm cả dịch vụ gọi taxi, gọi đồ ăn....

Hay như ví điện tử MoMo, sau 12 năm thành lập, ứng dụng này hiện có khoảng 1 triệu người dùng, cung cấp hơn 100 dịch vụ, tiện ích gồm: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay, vé xem phim, thu chi hộ… Đặc biệt, MoMo còn sở hữu mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp cả nước. 

Một tên tuổi khác là Be Group, mặc dù mới tham gia thị trường, nhưng đã phục vụ 11 triệu chuyến xe. Be Group nhận được sự hậu thuẫn của ngân hàng VPBank nên đã nhanh chóng cung cấp dịch vụ tài chính trên ứng dụng gọi xe. Chưa dừng lại ở đó, startup này tuyên bố sẽ còn tung ra thêm dịch vụ giao vận hàng hóa, ví điện tử...

Viettel hâm nóng cuộc đua siêu ứng dụng tại Việt Nam 1
Chân dung siêu ứng dụng của Viettel

Mới đây nhất, Viettel Post cũng hâm nóng cuộc đua siêu ứng dụng tại Việt Nam, bằng việc tung ra cùng lúc 2 sản phẩm là MyGo và Voso.vn. Trong khi MyGo cung cấp gọi xe và giao hàng nhanh, thì Voso.vn là trang thương mại điện tử với đa dạng sản phẩm.

Khách quan mà nói, việc liên tiếp đưa ra các dịch vụ mới có thể xem là cách mà Viettel đang hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Nhưng quan trọng hơn, Tập đoàn này đang hướng tới cuộc chơi siêu ứng dụng, khi cả MyGo và Voso.vn hiện đều được tích hợp chung vào ứng dụng Viettel Post.

Trong một số mẫu quảng cáo gần đây, ứng dụng Viettel Post đang được định hình là "Super App - 1 App, Ngàn dịch vụ", từ đặt xe, giao vận, bán hàng đa kênh, chuyển tiền, kinh doanh TMĐT. Trước đó, Viettel cũng từng rất thành công khi tung ra ví điện tử ViettelPay chỉ sau 4 tháng đã thu hút khoảng 2,5 triệu người dùng.