Vinaconex trở thành công ty con của An Quý Hưng

Trần Anh - 18:54, 04/12/2018

TheLEADERCông ty TNHH An Quý Hưng đã thanh toán đủ gần 7.400 tỷ đồng cho SCIC để mua gần 58% cổ phần từ SCIC.

Vinaconex trở thành công ty con của An Quý Hưng
An Quý Hưng đã chi gần 7.400 tỷ đồng để sở hữu 58% cổ phần của Vinaconex

Thông báo của SCIC chiều nay (4/12) cho biết, nhà đầu tư đã thanh toán đủ số tiền mua cổ phần VCG và phiên đấu giá của SCIC đã thành công. Giá trị nhà nước thu về từ đợt thoái vốn này cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm. 

Việc nhà đầu tư huy động đủ số tiền để thanh toán cho thương vụ đã xóa đi những nghi ngờ về khả năng phải đấu giá lại của SCIC do đơn vị trúng giá chỉ là một công ty tư nhân có năng lực tài chính không quá mạnh.

Theo đó, Công ty TNHH An Quý Hưng đã chi ra 7.366 tỷ đồng để mua 255 triệu cổ phiếu VCG do SCIC nắm giữ trong đợt đấu giá ngày 22/11. Mức giá mà nhà đầu tư này trả cao hơn 35% so với mức giá khởi điểm. 

Trước phiên đấu giá An Quý Hưng đã đặt cọc số tiền 543 tỷ đồng. Sau đó nhà đầu tư này đã thanh toán 6.823 tỷ đồng trong hôm nay (4/12).

Sau phiên đấu giá, một nguồn tin cho biết, Công ty An Quý Hưng đã thực hiện thế chấp hàng loạt các lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn cho ngân hàng Indovina, chi nhánh Thiên Long.

Các lô đất nằm trong hợp đồng mua bán giữa An Quý Hưng và Tập đoàn Geleximco có tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng, theo các biên bản định giá tài sản hôm 23/11. Tuy vậy số tiền này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số gần 7000 tỷ đồng mà An Quý Hưng phải huy động.

An Quý Hưng là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Xuân Đông, người từng là thành viên HĐQT của Vimeco, công ty thành viên của Vinaconex đến tháng 4/2017. Công ty An Quý Hưng từng nắm giữ đến 30% cổ phần của Vimeco nhưng đã thoái vốn toàn bộ từ cuối năm 2016. Ông Đông hiện cũng là thành viên HĐQT của Hải Phát, một doanh nghiệp bất động sản mới niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Đây là một công ty tư nhân được biết đến nhiều trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp do ông Nguyễn Xuân Đông và vợ Đỗ Thị Thanh nắm giữ. Ông Đông cũng là Tổng Giám đốc công ty.

Thách thức huy động 7.400 tỷ đồng để làm chủ Vinaconex của An Quý Hưng
Ông Nguyễn Xuân Đông

Phía An Quý Hưng cho biết, công ty đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài xây dựng, An Quý Hưng còn tham gia vào các dự án bất động sản với vai trò môi giới thông qua công ty An Quý Hưng Land và hợp tác đầu tư các chủ đầu tư bất động sản khác như Văn Phú Invest

Trước đó, năm 2015, công ty từng đấu giá thành công 3.400 m2 đất tại phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội để phát triển dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng trên khu đất này. Năm ngoái, công ty được giao thêm hơn 2.000 m2 đất nữa tại khu vực này để xây dựng Khu nhà ở Thượng Thanh.

Trước khi đấu giá cổ phần Vinaconex, An Quý Hưng đã tăng vốn lên 500 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính. Theo thông tin công bố trước đợt đấu giá, đến cuối năm 2017, công ty có vốn điều lệ 360 tỷ đồng và tổng nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Vinaconex là một doanh nghiệp xây dựng nhà nước có lịch sử 30 năm được cổ phần hóa, công ty đã xây dựng các công trình lớn trên cả nước như Trung Tâm Hội nghị Quốc Gia, Tràng Tiền Plaza. Ngoài ra, Vinaconex phát triển nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, như Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính và các dự án hạ tầng đường giao thông, nước sạch.

Bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng, giá trị thu hút nhà đầu tư của Vinaconex được cho là nằm ở quỹ đất rộng lớn hàng triệu m2 do doanh nghiệp này và các công ty thành viên sở hữu hoặc quản lý.

Một trong những tài sản có giá trị của Vinaconex là 50% cổ phần tại dự án KĐT Bắc An Khánh (Splendora). Dự án này có quy mô 265ha nằm trên trục đường cao tốc Láng – Hòa Lạc với quy hoạch 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề. Hồi đầu năm, Công ty địa ốc Phú Long đã mua lại 50% cổ phần của dự án này từ đối tác nước ngoài là Posco E&C. Tuy nhiên liên doanh này lại đang thua lỗ và vay nợ rất lớn.

Công ty còn nắm giữ 30% cổ phần tại Nhà máy xi măng Cẩm Phả. Đây là dự án từng khiến Vinaconex điêu đứng nhưng sau khi về tay Viettel đã có lãi trở lại và đang từng bước trả các khoản nợ cho chính Vinaconex.

Vinaconex cũng đang thực hiện cải tạo hai dự án chung cư cũ trên đường Láng Hạ với tổng quy mô đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Đồng thời công ty đang triển khai hai dự án chung cư khác tại 25 Nguyễn Huy Tưởng và Vinata Towers.

Trước khi SCIC thoái vốn, Vinaconex đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động với chiến lược tập trung vào xây dựng và kinh doanh bất động sản, phát triển hạ tầng. Vinaconex đã thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu ở nhiều công ty thành viên.

Trong đợt đấu giá này của SCIC, HNX tổ chức đấu giá lô 94 triệu cổ phần của Vinaconex do Viettel nắm giữ, tương đương 21,3% vốn của Vinaconex. Một nhà đầu tư tổ chức đã mua toàn bộ số cổ phần này với giá sát giá khởi điểm, lô cổ phiếu này có giá trị 2.002 tỷ đồng.