'Vũ khí' phi tài chính Viettel Group hỗ trợ cho MyGo, Voso

Trần Anh - 17:05, 04/07/2019

TheLEADERThay vì chi nhiều tiền để lôi kéo khách hàng, VTP có thể tận dụng sức mạnh khác của tập đoàn Viettel như thương hiệu, hệ sinh thái hay nguồn lực lao động.

Mới đây, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (VTP) đã thông báo việc mở rộng của công ty vào lĩnh vực dịch vụ gọi xe, giao hàng (gọi chung ride-hailing) và thương mại điện tử.

Nền tảng đầu tiên là MyGO, ứng dụng di động cung cấp dịch vụ gọi xe (ride-hailing) (xe máy và ôtô), giao hàng tức thời (dưới 2 giờ) và dịch vụ xe tải theo yêu cầu. Ứng dụng này sẽ cạnh tranh với hàng loạt ứng dụng khác sẵn có hiện tại trên thị trường, như Grab, GoViet, Ahamove và Logivan.

Mảng kinh doanh thứ hai là Voso, nền tảng Thương mại điện tử B2C2C (hoạt động trong cả mảng doanh nghiệp bán cho người dùng – B2C và người dùng bán người dùng – C2C) hiện đang tập trung vào hỗ trợ nông dân bán hàng ở thời điểm hiện tại nhưng có khả năng mở rộng sau này.

Theo ban lãnh đạo công ty, 2 mảng kinh doanh này là một phần của chiến lược dài hạn để chuyển đổi thành một công ty công nghệ và VTP hiện đang tạo ra 1 siêu ứng dụng nhằm “gia tăng giá trị cho khách hàng và mở rộng hệ sinh thái của công ty và Tập đoàn Viettel”.

Trong 2 mảng kinh doanh này, VTP dường như sẽ tập trung nhiều hơn vào MyGO nhằm tận dụng thế mạnh trong ngành kinh doanh giao nhận truyền thống và xây dựng cơ sở giao hàng tức thời cho nền tảng thương mại điện tử.

Việc VTP tuyên bố gia nhập 1 lúc 2 thị trường đanh có tính cạnh tranh cao là gọi xe và thương mại điện tử dù bất ngờ, nhưng lại là diễn biến có thể hiểu được trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa cạnh tranh trực tiếp trong dài hạn. Chẳng hạn hồi tháng 4 vừa qua, Grab đã công bố hợp tác với công ty giao nhận Ninja Van, báo hiệu việc mở rộng sang mảng giao nhận liên tỉnh và thương mại điện tử trong tương lai.

Dù chỉ hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm, VTP đã gặt hái được một số thành công nhất định ở 2 mảng kinh doanh mới. Tính đến ngày 27/06/2019, VTP đã tuyển dụng gần 70.000 tài xế xe máy và kỳ vọng sẽ đạt 100.000 tài xế vào ngày 01/07/2019. Công ty cũng đã hoàn thành 4.700 chuyến đi mỗi ngày tính đến ngày 27/06/2019. Một lợi thế cạnh tranh của VTP so với các đối thủ khác như Grab hay Bee đó là các đối tác tài xế của công ty có cơ hội được nhận phúc lợi xã hội và bảo hiểm như lao động chính thức.

Liên quan đển mảng thương mại điện tử, ban lãnh đạo VTP cho biết hiện đang có 4.000 đơn hàng chờ phê duyệt mỗi ngày từ các nhà bán hàng.

Lợi thế cạnh tranh của thương hiệu Viettel

Một vấn đề của VTP so với các đối thủ khác như Grab, GoViet hay Tiki đó là không được phép chi quá nhiều cho hoạt động thu hút khách hàng mới. Hiện tại, các startup hoạt động trong lĩnh vực gọi xe và thương mại điện tử đều được cho là đang “đốt tiền” vào hoạt động tiếp thị và lôi kéo người dùng.

Tuy nhiên, là một đơn vị thành viên của tập đoàn Viettel, VTP khó có thể bạo chi như vậy. Công ty cũng cho biết công ty tiếp tục duy trì kế hoạch lợi nhuận 5 năm với tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận giai đoạn 2018 – 2024 đạt 26%.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, thay vì chi nhiều tiền để lôi kéo khách hàng, VTP sẽ tận dụng khai thác sự hiện hiện rộng trên khắp Việt Nam (1.300 bưu cục), đặc biệt là ở các thành thị nhỏ và vùng nông thông cũng như cơ sở khách hàng hiện hữu (400.000 nhà bán hàng). Con số này lớn hơn nhiều nếu so với các đơn vị khác trên thị trường. Grab, ứng dụng goi xe quy mô nhất Việt Nam hiện tại mới chỉ hoạt động tại 36/63 tỉnh thành.

Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ 2 mảng kinh doanh mới của VTP thông qua các nguồn lực phi tài chính như sức mạnh thương hiệu (Viettel là thương hiệu quốc gia lớn nhất tại Việt Nam năm 2018); hệ sinh thái của Viettel (miễn phí dịch vụ dữ liệu, tích hợp với Viettel Pay và có thể được được hưởng dịch vụ tin nhắn quảng cáo miễn phí);và nguồn lực lao động của Viettel (khuyến khích nhân viên Viettel sử dụng các dịch vụ mới của VTP).

Dù chính sách này có lợi cho sức khỏe tài chính của VTP, nó vẫn sẽ hạn chế khả năng thâu tóm thị phần của VTP so với các đối thủ khu vực với ngân quỹ lớn như Grab và GoViet.

Việc VTP công bố 1 lúc hai nền tảng dịch vụ xe và thương mại điện tử dù bất ngờ, nhưng có thể là một phần trong chiến lược Chuyển đổi số của Tập đoàn Viettel, trong đó Viettel tận dụng mảng dịch vụ viễn thông cốt lõi để mở rộng sang các dịch vụ số khác thành trụ cột tăng trưởng mới. 

Vừa qua, Viettel đã công bố một mô hình mới là Viettel Pay, một dịch vụ ngân hàng số cạnh tranh với các công ty fintech với mục tiêu đạt 26 triệu người dùng vào năm 2025. Theo VTP, ứng dụng MyGO sẽ sử dụng Viettel Pay làm ví điện tử chính sau khi chính thức triển khai.

Bên cạnh đó, Hoạt động thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt và mobile money cũng sẽ là yếu tố thay đổi lớn cho hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết cơ quan này hiện đang phối bộ Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra khung pháp lý cho hình thức mobile money trong năm 2019. 

Nếu được thông qua, khung pháp lý này sẽ cho phép các nhà mạng viễn thông chuyển đổi các tài khoản viễn thông thành tài khoản “ví điện tử”, mở đường cho dịch vụ số của các nhà mạng viễn thông khai thác tập dân số chưa có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.