World Bank ngược chiều ADB trong dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Anh Duy - 09:10, 13/04/2018

TheLEADERĐánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới về triển vọng phát triển tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương có vẻ như đang làm nguội bớt những kì vọng vào việc tiếp tục tăng trưởng nóng của nền kinh tế Việt Nam.

Trong triển vọng tăng trưởng ở các nước đang phát triển khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng trong năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ổn định và thậm chí có phần chững lại với tốc độ khoảng 6,5%.

Con số này thấp hơn hẳn so với mức nhận định gần đây nhất từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Cụ thể, ADB cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7,1% trong năm nay và sẽ giảm xuống 6,8% trong năm tới.

Ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB đánh giá năm 2018, Việt Nam khó có được sự bứt phá như năm 2017 do sự chững lại của hoạt động sản xuất nông nghiệp. WB cũng hạ dự báo năm 2018 so với con số 6,7% của năm ngoái.

“Tác động tích cực từ sự phục hồi của ngành nông nghiệp đã được hấp thụ hoàn toàn vào năm 2017 và do đó, hiệu ứng hồi phục tiếp theo sẽ giảm đi trong năm 2018”, ông Sudhir Shetty cho biết thêm.

Ngoài ra, ảnh hưởng từ vấn đề tăng hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian gần đây cũng là điều không thể tránh khỏi khi Việt Nam là một trong những mắt xích của chuỗi giá trị toàn cầu dựa nhiều vào xuất khẩu.

Chia sẻ ý kiến về sự khác biệt này, ông Đinh Tuấn Việt, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam cho rằng báo cáo mới này mới chỉ dừng ở mức sơ bộ nhằm phục vụ cho hội nghị mùa xuân của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới và do vậy, các nhận định được đưa ra khi chưa có các chỉ số cơ bản của Việt Nam trong quý I vừa qua.

“WB thận trọng do muốn tiếp tục thu thập số liệu và phân tích tình hình nằm đưa ra câu trả lời chính xác”, ông Việt đánh giá.

Nhận định về sự tăng trưởng đột phá của Việt Nam trong quý I vừa qua, ông Việt cho rằng đây “là phần gia tốc của nửa cuối năm ngoái hay Việt Nam đang bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng cao, bền vững. Dù đánh giá cao sự tăng trưởng ổn định cũng như kiểm soát tốt lạm phát của Việt Nam, WB cũng đưa ra một số rủi ro, thách thức cần lưu ý”.

Theo ông, “Việt Nam đã tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế có quy mô lớn hơn. Do đó, 1% tăng trưởng bây giờ và 1% tăng trưởng của 5 năm trước đây là những nỗ lực khác nhau”.

Nhằm xử lý viễn cảnh tăng trưởng chững lại trong trung hạn, WB kiến nghị nên nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn thông qua một loạt các biện pháp như cải thiện chi tiêu công và đầu tư hạ tầng, tăng cường chiều sâu hội nhập và cải thiện về tạo thuận lợi thương mại, cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để ứng phó với nguy cơ vẫn tiếp diễn với hệ thống thương mại toàn cầu, WB cho rằng cần tăng cường chiều sâu hội nhập và tạo thuận lợi thương mại, thông qua các cơ chế như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Sáng kiến Một vành đai & Một con đường.

Nếu được thực hiện tốt, các sáng kiến này được đánh giá sẽ trở nên quan trọng hơn trong việc đối phó với các thách thức mới phát sinh về tự động hóa và công nghệ tiết kiệm lao động, làm mờ đi ranh giới giữa sản xuất và dịch vụ.