World Bank: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 chững lại còn mức 6,6%

Đức Anh - 20:10, 24/04/2019

TheLEADERTheo dự báo của World Bank (Ngân hàng Thế giới), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay chững lại do tín dụng được thắt lại, tiêu dùng tư nhân giảm đà và nhu cầu bên ngoài yếu hơn.

World Bank: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 chững lại còn mức 6,6%
Hoạt động kinh tế sôi động đã tạo thêm việc làm và hỗ trợ tiếp tục giảm nghèo

Theo báo cáo “Vượt qua trở ngại” mới đây, World Bank đánh giá nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.

Nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn dự báo.

Triển vọng kinh tế trong ngắn hạn theo tính toán sơ bộ nhìn chung tích cực. Tăng trưởng kinh tế được World Bank dự báo sẽ chững lại còn 6,6% năm 2019 do tín dụng được thắt lại, tiêu dùng tư nhân giảm đà và nhu cầu bên ngoài yếu hơn.

Áp lực lạm phát vẫn ở mức vừa phải theo dự báo, trong điều kiện sức cầu trên toàn cầu giảm nhẹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm ở mức vừa phải.

Nhìn về trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ xoay quanh mốc 6,5% do tác động tăng theo chu kỳ như hiện nay sẽ giảm dần. Tỷ lệ nghèo dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các điều kiện trên thị trường lao động vẫn thuận lợi.

Năm 2018, tăng trưởng GDP lên tới 7,1% do các hoạt động kinh tế đồng loạt khởi sắc. Hoạt động kinh tế sôi động đã tạo thêm việc làm và hỗ trợ tiếp tục giảm nghèo.

Nhìn tổng thể cả năm, CPI chung được duy trì ở mức vừa phải là 3,5%, thấp hơn so với chỉ tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mặc dù tình hình thương mại thế giới có nhiều biến động, cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính tăng 13,2% trong năm 2018 - thấp hơn so với mức 21,8% năm 2017, nhưng cao hơn đang kể so với tỷ lệ tăng trưởng thương mại toàn cầu.

World Bank nhận định xuất khẩu tốt đã giúp Việt Nam duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai trong tám năm liên tiếp. Thặng dư tài khoản vốn của Việt Nam vẫn ở mức cao do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì ở mức cao.

Mặc dù có những kết quả khả quan thời gian qua, World Bank nhận định Việt Nam vẫn còn những rủi ro theo hướng xấu đi đáng kể.

Nhìn từ trong nước, các nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng bị trì hoãn có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính – vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ cho khu vực công.

Đầu tư công tiếp tục suy giảm có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển dài hạn. Các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa tiếp theo cần tập trung kiềm chế tăng chi thường xuyên và đồng thời phải ổn định được kết quả thu.

Báo cáo chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương với những biến động tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu do độ mở cửa thương mại lớn, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn tương đối hạn chế.

Sức cầu bên ngoài yếu đi và biến động tài chính tăng lên càng đòi hỏi phải tiếp tục tập trung quản lý kinh tế vĩ mô theo hướng chủ động và thận trọng nhằm đối phó với những cú sốc bất lợi có thể xảy ra trong cả ngắn hạn và trung hạn.

Tăng trưởng hiện cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền, làm nới rộng khoảng cách về thu nhập và tình trạng nghèo đói.