Xà bông Cô Ba có cơ hội tái sinh?

Trần Anh - 13:28, 23/03/2018

TheLEADERThị trường xà bông, dầu gội, sữa tắm tại Việt Nam từ lâu đã là sân chơi riêng của Unilever. Kể cả P&G, đối thủ quốc tế của Unilever cũng không có cửa tại thị trường này chứ chưa kể tới những doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đại hội cổ đông mới đây, CTCP Đầu tư Thương Mại An Dương Thảo Điền (HAR) đang lên kế hoạch khôi phục dây chuyền sản xuất, kênh phân phối... của thương hiệu Xà bông Cô Ba, dự kiến ra mắt sản phẩm ngay trong quý 2 năm nay

Xà bông Cô Ba hay kem đánh răng Dạ Lan là những thương hiệu mang lại nhiều hoài niệm cho người tiêu dùng Việt. Đó từng là những sản phẩm tiêu dùng rất được ưa chuộng trong khoảng đầu thế kỷ 20. 

Cục xà bông màu xanh lá in hình người phụ nữ búi tóc cao từng làm mưa làm gió trên thị trường lúc bấy giờ. Xà bông Cô Ba cũng là một số ít những thương hiệu Việt khi đó phổ biến được sang nước ngoài như Lào và Campuchia, xuất khẩu sang Hồng Kông và một số nước châu Phi.

Tuy nhiên, cũng như nhiều thương hiệu “vang bóng một thời” khác, sau giai đoạn quốc hữu hóa trở thành một phần của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), Xà bông Cô Ba dần mai một. Tới năm 2014, khi Vinachem tiến hành thoái vốn khỏi đây, Xà bông Cô Ba thuộc công ty CTCP sản xuất thương mại Phương Đông và gần như chỉ là một cái vỏ rỗng.

Trong khi Xà bông Cô Ba thụt lùi hơn 3 thập kỷ, thị trường xà bông, sữa tắm và dầu gội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, sự xuất hiện của gã khổng lồ trong ngành tiêu dùng nhanh (FCMG) đã đánh bật mọi nỗ lực từ các đối thủ khác. 

Ngày nay, thị trường xà bông là sự độc tôn của Lifebuoy và Dove, hai sản phẩm của Unilever. Thậm chí, tại những bản làng hẻo lánh nhất, nơi việc tiếp cận với điện và nước sạch còn khó khan, Unilever đã có ở đó, dạy họ những điệu “dân vũ rửa tay” và phát những cục Lifebuoy miễn phí.

Kể cả P&G, đối thủ quốc tế của Unilever cũng không có cơ hội nào trên thị trường xà bông Việt Nam, chứ chưa kể tới những doanh nghiệp Việt Nam.

Với một thị trường đã hoàn thiện như vậy, việc cố gắng tham gia vào sẽ trở thành một bài toán chi phí cực lớn đi kèm với rủi ro thất bại cao. Xà bông Cô Ba, thương hiệu chỉ còn là kỷ niệm trong tâm trí người tiêu dùng, đã ngừng sản xuất hơn 1 năm qua liệu có hy vọng?

Ông Nguyễn Nhân Bảo, Tổng giám đốc HAR, đơn vị đang nắm giữu hơn 30% CTCP sản xuất Thương mại Phương Đông và chuẩn bị tiến hành thâu tóm lại doanh nghiệp này, cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự hồi sinh của Xà bông Cô Ba.

“Trước mắt, chúng tôi đã khôi phục lại hệ thống sản xuất sau khi tiến hành M&A với công ty Phương Đông vào cuối năm ngoái”, ông Bảo cho biết.

HAR kỳ vọng sẽ hồi sinh thương hiệu Xà bông Cô Ba từng vang bóng, kế hoạch đưa sản phẩm trở lại thị trường vào quý 2/2018. Trước mắt, công ty sẽ kiến thiết lại các kênh phân phối, và đưa một lượng sản phẩm ra thị trường. Nếu được đón nhận, HAR dự kiến sẽ đầu tư mở rộng sản xuất thời gian sau đó.

Về mẫu mã, Công ty dự kiến sẽ đa dạng loại hình sản phẩm, không chỉ ở thể rắn mà còn có thể dạng dung dịch lỏng… hương thơm trước mắt vẫn giữ lại hương thơm của sản phẩm Xà bông cô Ba trước đây.

Xà bông Cô Ba có cơ hội tái sinh?
Một công ty bất động sản có ý định tái sinh thương hiệu Xà bông Cô Ba

Tuy nhiên, HAR không bỗng dưng đổ tiền vào để tham gia vào một lĩnh vực nhiều rủi ro như vậy. Cũng giống như nhiều thương vụ thâu tóm doanh nghiệp diễn ra gần đây, mục tiêu chính của bên thâu tóm không nằm ở hoạt động sản xuất kinh doanh mà nằm ở giá trị bất động sản.

Bản thân HAR là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, và 7.000m2 đất nằm ở số 40 Kim Biên mà Phương Đông đang nắm giữ mới là động lực quan trọng nhất.

Đây cũng không phải lần đầu tiên trong năm 2017 HAR thực hiện M&A với các doanh nghiệp có quỹ đất lớn. Trước đó, HAR đã mua lại công ty Đảo San Hô, đơn vị sỡ hữu dự án Nha Trang Coral Beach rộng 13,5 ha. Một thương vụ đình đám khác là mua lại công ty Cơ khí Ngân hàng đang sở hữu 2 mảnh đất tại quận 5 và quận Phú Nhuận.

Tổng giám đốc HAR cũng thừa nhận, doanh nghiệp đang hướng tới việc phát triển lõi là bất động sản thương mại, và để thúc đẩy kế hoạch đó, công ty đang tiến hành M&A để mở rộng quỹ đất nhanh nhất có thể. 

Việc hồi phục thương hiệu Xà bông Cô Ba sẽ được tiến hành song song, nhưng trước mắt sẽ là hoạt động thử nghiệm để đánh giá xem thị trường có chào đón không. Ban lãnh đạo cũng không chia sẻ nhiều thông tin về hướng đi, sản phẩm, phân khúc hay đầu ra cho sản phẩm.

"Tiềm năng ngành hóa mỹ phẩm vẫn còn rất lớn, biên lợi nhuận tương ứng ở mức cao. Chúng tôi tin rằng xà bông Cô Ba sẽ có thành tích nhất định trong thời gian tới", ông Bảo chia sẻ.

Có thể thấy, việc hồi sinh Cô Ba chỉ là "nhiệm vụ phụ" mà ban lãnh đạo HAR đặt ra, bên cạnh mục tiêu chính là mở rộng đế chế bất động sản. Trong khi đó, sân chơi FMCG luôn cạnh tranh rất khốc liệt, với những doanh nghiệp quy mô nhất thế giới tham gia. Trước đó không ít thương hiệu xưa tuyên bố quay lại thị trường, nhưng rất hiếm trong số đó thu về kết quả khả quan.