Đặc khu cần tránh đi lại 'vết xe đổ' của các khu kinh tế mở

Thu Phương - 16:34, 26/05/2018

TheLEADERTừng đưa ra rất nhiều ưu đãi đầu tư song các khu kinh tế mở trước đó của Việt Nam vẫn kém hiệu quả, chưa thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng.

Đặc khu cần tránh đi lại 'vết xe đổ' của các khu kinh tế mở
Nhà đầu tư lớn nhất tại Chu Lai là một doanh nghiệp trong nước - Công ty Ô tô Trường Hải

Bài học từ Chu Lai

Việc phát triển các đặc khu kinh tế không phải là chủ trương quá mới lại tại Việt Nam. Ý tưởng này đã xuất hiện ngay từ sau đổi mới và được văn bản hoá ở Nghị quyết trung ương 4 khóa VIII (1997), Văn kiện Đại hội X năm 2006. 

Vũng Tàu – Côn Đảo là “đặc khu sơ khai” đầu tiên ra đời năm 1979 nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt trong điều kiện Việt Nam vẫn đang trong thời kì kinh tế kế hoạch.

Bước sang giai đoạn đổi mới, các khu kinh tế “mở” được phát triển dày đặc ở các tỉnh miền Trung như Dung Quất, Chu Lai, Nghi Sơn, Vũng Áng. Các khu kinh tế này nhằm mục đích tạo ra những vùng kinh tế mới phát triển đột phá, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Đặc biệt là thời gian gần đây, khi dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các đặc khu kinh tế “thực thụ” càng được thể hiện một cách mạnh mẽ.

Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng các đặc khu kinh tế với cơ chế chính sách vượt trội, đột phá về thể chế là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay. Xây dựng thành công các đặc khu kinh tế sẽ tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kinh tế Việt Nam như nhiều mô hình đã thành công tại Trung Quốc và trên thế giới.

Mục đích lớn lao như vậy, song xây dựng các đặc khu như thế nào để thành công lại là điều không hề đơn giản bởi nhiều bài học trong quá khứ đã cho thấy, hầu hết các khu kinh tế mở của Việt Nam đã từng thử nhiệm đều chưa hoạt động hiệu quả, chưa thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng nếu không nói là đều "thất bại" chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.

Có thể lấy một ví dụ điển hình như khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam Chu Lai thành lập năm 2003, kết quả hoạt động sau 15 năm của khu kinh tế này cho thấy một kết quả không mấy khả quan. 

Trước đó, để thu hút đầu tư vào Chu Lai, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt thông thoáng, thậm chí còn vượt xa so với những ưu đãi về thuế, đầu tư trong bản dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang xây dựng hiện nay. 

Một số chính sách ưu đãi về đầu tư có thể kể đến như việc Chu Lai áp dụng quy định một giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tiền thuê đất không phân biệt trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, cho phép người nước ngoài và Việt kiều kinh doanh bất động sản và mua nhà trong Chu Lai. Những dự án sản xuất đầu tư đến hết năm 2005 được hỗ trợ 100% chi phí đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng. 

Thời gian thuê đất là 70 năm, miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian dự án cho các nhà đầu tư trong khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Về thuế, riêng khu phi thuế quan, hàng hóa, dịch vụ nhập từ nội địa vào được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 0%; miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất hàng xuất khẩu; nâng mức khởi điểm đánh thuế thu nhập cá nhân cao gấp 3 lần so với quy định chung; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm đầu kể từ khi có lãi và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Song những ưu đãi đầu tư tại Chu Lai dường như vẫn chưa thực sự là điều các nhà đầu tư mong đợi. Nhìn vào số liệu thống kê kết quả hoạt động của khu kinh tế này có thể thấy, tính đến ngày 20/12/2016, tại khu kinh tế mở Chu Lai mới chỉ có 118 dự án được cấp phép, tổng vốn đầu tư 2.159 triệu USD, trong đó chỉ có 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1.069,734 triệu USD. Hiện có 74 dự án đi vào hoạt động với vốn thực hiện 922,897 triệu USD.

Trong khi đó, tại lễ kỷ niệm 2 năm thành lập khu kinh tế này năm 2005, ban quản lý khu kinh tế Chu Lai đã cam kết tổng vốn đầu tư đạt 1,4 tỉ USD. Như vậy, đến nay sau 14 năm, con số thay đổi so với mục tiêu trước đó vẫn chưa thực sự ấn tượng.

Đáng nói hơn, nhà đầu tư lớn nhất tại Chu Lai không phải một đại gia trên thế giới như kỳ vọng mà lại là một doanh nghiệp trong nước - Công ty Ô tô Trường Hải.

Thực trạng tương tự tại khu kinh tế Dung Quất, một trong 5 khu kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Bên cạnh những doanh nghiệp đã đầu tư tại Dung Quất, vẫn còn nhiều nhà đầu tư xin dự án, lập kế hoạch đầu tư và sau khi được UBND tỉnh đồng ý, cấp giấy chứng nhận đầu tư thì bất động.

Hiện ở Dung Quất có 12 công trình, dự án bỏ hoang từ nhiều năm qua với tổng diện tích lên đến 270ha. Nhiều công trình trụ sở làm việc, nhà ở, điểm vui chơi giải trí nằm tại những vị trí đắc địa dù đã hoàn thiện phần thô, cũng bị bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất, trong khi hiệu quả đầu tư không được như mong đợi.

Thể chế, thể chế và thể chế

Ưu đãi đầu tư vợt trội là vậy, song tại sao các khu kinh tế mở của Việt Nam vẫn chưa thể thành công? 

Giải thích lý do khiến khu kinh tế mở Chu Lai thất bại trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, trước đó, TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương đã cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã có sự nhầm lẫn về khái niệm của các khu kinh tế. “Bản chất khu kinh tế mở là tự do về thể chế chứ không phải cơ chế".

Theo ông Lược, mục đích thành lập ra các khu kinh tế tự do ở các nước trên thế giới là tạo ra những đột phá về thể chế. Bởi rất khó có thể tiến hành cải cách thể chế một cách đồng loạt trên bình diện quốc gia.

Thể chế hiện đại và quốc tế là yếu tố quyết định thu hút nhà đầu tư. Ví dụ như ở Thâm Quyến, Trung Quốc đã áp dụng mô hình tự chủ của Hồng Kong, và thể chế này sau đó đã được áp dụng cho các đặc khu kinh tế ven biển khác của Trung Quốc. Kết quả là 80% đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã được tập trung ở vùng ven biển”, ông Lược dẫn chứng.

Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù Bộ Kế hoạch và đầu tư đã hoạch định ra 15 khu kinh tế suốt dọc chiều dài của đất nước nhưng không có một khu kinh tế nào có thể chế đúng với tiêu chuẩn của một khu kinh tế tự do, tức là có quy chế tự quản và quốc tế hóa cao. Và thực chất Chu Lai vẫn là một khu công nghiệp với các ưu đãi đầu tư chẳng có gì đặc biệt”, ông Lược nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, các đặc khu kinh tế của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức “ưu đãi” cao nhất của Việt Nam, tức là cao nhất của một hệ thống thể chế còn kém phát triển, chủ yếu là các ưu đãi kinh tế chứ không nhắm tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh hiện đại. Trong khi đó, đây mới là thứ mới đích thực là “tổ của những con chim phượng hoàng đến đẻ trứng”, có sức hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn.

Ông Thiên cũng chỉ ra rằng, Việt Nam không chú trọng tạo điều kiện bảo đảm dài hạn cho sự phát triển vượt trội của đặc khu. Trong đó, các nhóm điều kiện quan trọng là hệ thống doanh nghiệp bản địa đối ứng, nguồn nhân lực chất lượng và hệ thống kết nối hạ tầng hiện đại chính. Đây chính là là các hạn chế rất lớn của các khu kinh tế của Việt Nam.

Nhìn từ bài học quá khứ, trở lại với câu chuyện xây dựng đặc khu kinh tế đang "nóng bỏng" trên nghị trường Quốc hội cũng như giới chuyên gia và dư luận những ngày gần đây, bài toán đặt ra là Việt Nam phải xây dựng đặc khu kinh tế như thế nào để thành công. 

Tránh đi lại "vết xe đổ" của các khu kinh tế mở tại Việt Nam 1
Bà Phạm Chi Lan

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ưu đãi tại các khu kinh tế mở của Việt Nam đã có nhiều rồi, nhưng không thành công. Như vậy là do quá trình thực hiện không tốt, không hiệu quả chứ không phải là không có ưu đãi phải đề xuất thêm tại các đặc khu như trong dự thảo Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội thảo luận thời gian gần đây.

Bà Lan cho rằng, điều quan trọng đối với một đặc khu kinh tế là "phòng thí nghiệm về thể chế" nhằm đưa ra các thể chế mới nhất trong điều kiện nền kinh tế đang hội nhập toàn diện với các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đặc khu phải đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. 

Ở đó, phải có một bộ máy đủ thẩm quyền, nhưng tinh gọn nhất, xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất tất cả những vấn đề phát sinh của xã hội, đặc biệt là những vấn đề đặt ra của các nhà đầu tư, vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sửa đổi mới nhất gần đây đã bỏ cơ chế trưởng đặc khu, thay vào đó là tổ chức chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND đặc khu, cách thức quản lý hành chính như vậy rõ ràng chưa thực sự hiện đại, ting gọn và hấp dẫn các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu như áp dụng bộ máy chính quyền như dự thảo hiện hành nhưng có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, phối kết hợp cụ thể giữa các ban điều hành trong đặc khu để giải quyết công việc một cách hiệu quả thì cũng sẽ phần nào khiến các nhà đầu tư an tâm.