Gần 100% người Việt đều sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp ngoại này

Trần Anh - 14:50, 25/05/2018

TheLEADERUnilever sở hữu các thương hiệu với độ phủ gần 100% hộ gia đình tại Việt Nam. Tập đoàn này tạo dựng vị trí trong tâm trí người dùng thông qua hoạt động truyền thông, quảng bá nhắm đến mọi đối tượng, phân khúc tiêu dùng.

Gần 100% người Việt đều sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp ngoại này

Báo cáo thường niên Brand Footprint của Kantar Worldpanel vừa công bố danh sách các thương hiệu có độ phủ lớn nhất Việt Nam trong năm 2017, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Năm nay, những cái tên quen thuộc là Unilever, Masan Consumer và Vinamilk tiếp tục là 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả nhóm 4 thành phố trung tâm Việt Nam (TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) và khu vực nông thôn Việt Nam.

Masan Consumer và Vinamilk là hai nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất ở ngành hàng thực phẩm. Unilever tiếp tục vị trí dẫn đầu trong ngành hàng phi thực phẩm.

Công thức chung giúp Top 3 giữ vững vị trí dẫn đầu là duy trì số lượng người tiêu dùng chọn mua các thương hiệu của họ. Những yếu tố chính giúp Top 3 nhà sản xuất quảng bá thương hiệu và giành được cơ hội được người tiêu dùng lựa chọn đó là: danh mục sản phẩm đa dạng, mạng lưới phân phối rộng khắp, chiến lược định giá hợp lý, kết hợp với truyền thông và cải tiến liên tục.

Chẳng hạn, Vinamilk chi gần 10.000 tỷ đồng cho quảng cáo trong năm 2017. Doanh nghiệp này cũng mở rộng danh mục sản phẩm của mình lên con số 250 và phân phối sang hệ thống kênh phân phối trên một trăm ngàn điểm bán toàn quốc.

Mặc dù vậy, không có thương hiệu nào có độ phủ lớn tại Việt Nam bằng Unilever. Tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh của Anh sở hữu 6 thương hiệu tại các thành phố lớn và 5 thương hiệu tại nông thôn có độ phủ đến gần 100% các hộ gia đình. Đó là những thương hiệu quen thuộc như kem đánh răng P/S, bột giặt OMO, nước xả Comfort,…

Ngay trong mảng nước rửa chén, Sunlight của Unilever vẫn là số 1 khi tiếp cận với hơn 2/3 hộ gia đình Việt và đang lôi kéo thêm người mua ở khu vực nông thôn, nơi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh địa phương như Mỹ Hảo.

Kantal Worldpanel đánh giá, Unilever đã xây dựng hình ảnh rất vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng thông qua rất nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá nhắm đến nhiều đối tượng, phân khúc tiêu dùng khác nhau.

Lĩnh vực lớn nhất mà các thương hiệu nội áp đảo hoàn toàn thương hiệu ngoại đó là sữa và các sản phẩm thay thế sữa, chiếm hơn 55% giá trị thị trường FMCG cho tiêu dùng tại nhà với nhiều thương hiệu quen thuộc như Vinamilk, TH, sữa Mộc Châu, Nuti,...

Vinamilk “tỏa sáng” với danh hiệu là thương hiệu Sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả khu vực thành phố lớn lẫn nông thôn, vượt xa các thương hiệu khác.

Sữa dinh dưỡng của Nutifood cũng xây dựng được vị thế tại thị trường nông thôn nhờ mức giá hợp lý. Thương hiệu sữa này đã mở rộng độ phủ đến gần 1/3 hộ gia đình ở Nông thôn chỉ trong 2 năm sau khi được tung ra thị trường, tiếp cận thêm 1,2 triệu hộ mua mới chỉ trong năm ngoái.

“Nuti đã thành công không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở các khu vực Nông thôn, mà còn đẩy mạnh nhận diện thương hiệu thông qua hàng loạt các hoạt động tài trợ và từ thiện, thể hiện tốt sự cam kết trách nhiệm xã hội ở khu vực này”, báo cáo của Kantal đánh giá.

Chỉ có 3 thương hiệu sữa ngoại vào top những thương hiệu được lựa chọn nhiều là Milo, Ensure và Dutchlady (sữa cô gái Hà Lan).

Nghiên cứu Brand Footprint do Kantar Worldpanel thực hiện trên 73% dân số thế giới, với tổng cộng 1 tỷ hộ gia đình tại 43 quốc gia, 5 lục địa, với tổng mức đóng góp trong GDP toàn cầu là 75%. Kantar Worldpanel nghiên cứu hơn 18.000 thương hiệu trên toàn thế giới ở các lĩnh vực Thức uống, Thực phẩm, Sữa và Sản phẩm thay thế Sữa, Chăm sóc Sức khỏe & Sắc đẹp và Chăm sóc gia đình.

Bảng xếp hạng Brand Footprint được thiết lập dựa trên thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thực tế thay vì dựa trên thị hiếu hay thái độ của họ đối với thương hiệu như ở các bảng xếp hạng khác. Bảng xếp hạng dùng thước đo Điểm Tiếp Cận Người Tiêu Dùng (Consumer Reach Points - CRPs) để đo lường bao nhiêu hộ gia đình trên thế giới có chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua).