TP.HCM xin cơ chế đặc thù: Ðược tự quyết nhưng phải báo cáo Quốc hội

Lê Hữu Việt - 11:22, 09/11/2017

Đồng ý với việc TP.HCM được phép áp dụng một số cơ chế, chính sách “đặc thù”, được thu thêm hoặc tăng thu một số loại thuế, phí, nhưng Bộ Tài chính đề xuất các chính sách đưa ra phải báo cáo Quốc hội. Trong khi các chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại với các cơ chế “đặc thù”. Dự kiến, nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 14/11 tới.

TP.HCM xin cơ chế đặc thù: Ðược tự quyết nhưng phải báo cáo Quốc hội
TP.HCM đang đề xuất thu phí đối với ô tô vào trung tâm thành phố. Ảnh minh họa: Như Ý.

Bộ Tài chính “xuôi” với TP.HCM

Trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM, địa phương này sẽ được hưởng một số ưu đãi về tài chính - ngân sách. Cụ thể, TP.HCM được: Thí điểm đánh thuế tài sản; Tăng mức thuế, phí, lệ phí với một số loại thuế, phí, lệ phí so với luật hiện hành. Được thu thêm một số loại phí, lệ phí chưa có trong luật. Phần thu tăng thêm này TP.HCM được sử dụng toàn bộ (không phải điều tiết về ngân sách trung ương) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội.

Cho ý kiến về các ưu đãi trên với TP.HCM, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế, phí, lệ phí phải phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển, có lộ trình, bước đi phù hợp. Ngoài ra, việc tăng thu vẫn phải tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, không cản trở lưu thông hàng hóa, đảm bảo công khai, minh bạch, tập trung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên địa bàn TP.HCM.

Theo Hiến pháp năm 2013, việc quy định các loại thuế, phí phải do Quốc hội ban hành. Nhưng do đây là cơ chế thí điểm, chỉ áp dụng tại TP.HCM, nên theo Bộ Tài chính, vẫn áp dụng được. Đặc biệt với thuế tài sản, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng luật nên có thể thí điểm tại TP.HCM để rút kinh nghiệm. Để kiểm soát việc bổ sung mới và tăng thêm thuế, phí, lệ phí đặc thù áp dụng cho TP.HCM, Bộ Tài chính kiến nghị, các thay đổi phải được HĐND TP.HCM thông qua và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về cho phép TP.HCM sử dụng nguồn dôi dư từ cải cách tiền lương để chi đầu tư phát triển, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, Bộ Tài chính cho rằng: Quy định hiện hành không cho phép thực hiện như trên, nhưng TP.HCM luôn dư nguồn cải cách tiền lương khá lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí, thêm nguồn lực cho địa phương, Bộ Tài chính ủng hộ cho TP.HCM thực hiện đề xuất này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đồng thuận với việc cho phép TP.HCM được tự đi vay và vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển với hạn mức cao hơn quy định. Địa phương này cũng được để lại các khoản thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp do địa phương quản lý, sở hữu; được để lại 50% nguồn thu từ bán đất và tài sản các cơ quan trung ương đặt trên địa bàn (thay vì chuyển toàn bộ về ngân sách trung ương). Các khoản thu này TP.HCM dùng chi cho các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương sẽ không hỗ trợ thêm phần nào. Với những dự án được hỗ trợ, TP.HCM phải hoàn trả lại ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện vẫn còn một số điểm chưa tạo được đồng thuận giữa bộ ngành và địa phương. Đơn cử như TP.HCM đề nghị được chỉ định thầu thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP) khi xuất hiện các điều kiện đặc thù khác với Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc thực hiện chỉ định thầu không được khuyến khích và tiến tới loại bỏ.

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng tới ngân sách trung ương và đầu tư công khi TP.HCM thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm kể trên, Bộ Tài chính cho rằng: Ngân sách trung ương bị ảnh hưởng không đáng kể khi để lại cho TP.HCM khoản thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do địa phương này đang quản lý.

Nên cẩn trọng

Góp ý về các đề xuất cho TP.HCM được thu thêm hoặc tăng thu một số thuế, phí (phụ thu thuế, phí), một chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Không nên cho một số địa phương quyền “phụ thu thuế”. Do điều này sẽ tạo cuộc đua xin ưu đãi giữa các địa phương, giống như trước đây địa phương đua ưu đãi thu hút đầu tư. Thực tế, sau khi TP.HCM xin cơ chế đặc thù, Hà Nội và Hải Phòng cũng “đánh tiếng” xin cơ chế được phụ thu thuế. “Thế giới có một số nước có cơ chế phụ thu thuế cho địa phương, như Canada, nhưng với Việt Nam còn nhiều điểm cần làm rõ”, vị này nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì bày tỏ sự lo ngại. Theo ông Long, những gì gọi là cơ chế đặc thù thường tạo ra đặc quyền, đặc lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường là cạnh tranh bình đẳng, mọi thành phần kinh tế dù ở đâu đều được đối xử như nhau. Đặc biệt, theo chuyên gia này, các thành phố lớn hiện đã được ưu đãi không ít, như ưu tiên vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách để lại, tự chủ cũng cao hơn…Trong khi người dân, doanh nghiệp tại các thành phố lớn lại phải gánh chi phí cao hơn các nơi khác.

Theo Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện một số nước cũng cho phép các địa phương trọng điểm kinh tế được quyền “phụ thu thuế” cao hơn các địa phương khác.

Bộ Tài chính cho biết, ước tính hết năm 2017, dư nợ vay của TP.HCM khoảng 22.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, TP.HCM được dư nợ vay tối đa bằng 70% thu ngân sách địa phương, tương đương khoảng 54.300 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Nếu nâng hạn mức vay cho TP.HCM lên bằng 90% thu ngân sách, hết năm 2018, dư nợ vay của địa phương này sẽ lên khoảng 70.000 tỷ đồng.