Tỷ phú Thái Lan nối dài năm tháng thua lỗ của Metro

Trần Dũng - 08:00, 24/04/2018

TheLEADERSau khi mua lại Metro Cash & Carry và đổi tên thành MM Mega Market, tỷ phú Thái Lan chưa thể cải thiện kết quả kinh doanh của hệ thống phân phối này.

Năm 2015, chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry (Đức) gây bất ngờ khi quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan. Tập đoàn TCC của Thái Lan đã quyết định chi ra 655 triệu euro để mua lại 19 trung tâm Metro Việt Nam.

Thương vụ M&A gây chấn động bởi con số mà tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chi ra lớn chưa từng có trong lịch sử các hoạt động mua bán sáp nhập. Một lý do khác, đó là hoạt động kinh doanh nhiều uẩn khúc của Metro Việt Nam.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2002, trong 12 năm có mặt trên thị trường, Metro Việt Nam luôn báo lỗ. Doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn qua các năm, từ 608 tỷ đồng trong năm 2002 lên 14,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2013. Số trung tâm cũng tăng mạnh với 19 trung tâm.

Tương phản với tốc độ mở rộng doanh thu, lợi nhuận của Metro không hề khả quan. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI thua lỗ. Trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng.Các năm còn lại, Metro lỗ từ 89 đến 160 tỷ đồng. 

Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu. Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, Metro chưa nộp đồng nào và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.

Lý do mà Metro đưa ra là thua lỗ để mở rộng thị trường. Việc tăng thêm 1 - 2 trung tâm mới mỗi năm khiến doanh nghiệp chưa thể có lãi ngay. Đây cũng là lý do thường được các doanh nghiệp FDI đưa ra khi lý giải về lợi nhuận với các cơ quan thuế Việt Nam. Lotte Mart, một trong những chuỗi siêu thị bán lẻ lớn, cũng đã báo lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng sau 10 năm có mặt tại Việt Nam.

Sau khi Metro rút lui và sang nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh cho tập đoàn TCC, đầu năm 2016, chuỗi bán sỉ này đã thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên thành MM Mega Market. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng, với 100% vốn nước ngoài. Những tưởng đổi tên có thể đổi vận, nhưng kết quả kinh doanh của MM Mega Market thậm chí còn không bằng giai đoạn trước.

Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. Mức doanh thu này chỉ tương đương với doanh thu năm 2010 khi số trung tâm Metro chỉ bằng một nửa hiện tại.

Doanh thu giảm mạnh, công ty cũng tiếp tục hành trình thua lỗ của Metro. Trong năm 2016, MM Mega Market báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.

Tỷ phú Thái nối dài năm tháng thua lỗ của chuỗi bán sỉ Metro
Sau khi về tay người Thái và đổi tên thành MM Mega Market, doanh thu của Metro đã sụt giảm 3.000 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 110 tỷ đồng năm 2016

Tuy nhiên, MM Mega Market không phải thua lỗ do mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên 19 trung tâm mà Metro sang nhượng lại, chưa có động thái mở rộng thêm. 

Bất chấp việc thâu tóm các hệ thống của Việt Nam không mang lại hiệu quả kinh doanh như ý, những năm qua tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi vẫn rất tích cực thâu tóm các doanh nghiệp Việt. Berli Jucker, một doanh nghiệp khác của vị tỷ phú này đã thâu tóm lại CTCP Thái An Việt Nam, thành viên của tập đoàn Phú Thái - đơn vị bán sỉ lớn ở miền Bắc.

Năm ngoái, công ty thành viên nòng cốt khác của tỷ phú Thái Lan là ThaiBev cũng xác lập kỷ lục M&A mới tại Việt Nam sau khi chi 4,8 tỷ USD mua lại 53% cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco). Hiện tại, Thaibev tiếp tục tăng tỷ lệ nắm giữ tại một doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Vinamilk.