Việt Nam khôn ngoan khi không "bỏ hết trứng vào một rổ TPP"

Linh Lan - 16:16, 12/12/2017

TheLEADERTheo báo cáo của Chính phủ, Việt Nam đã ký kết, thực thi, và đang đàm phán tổng cộng tới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trên thế giới hiện nay có hai xu hướng về chính sách thương mại quốc tế: Tự do và Bảo hộ. Nhưng dường như các chính sách thương mại tự do vẫn là xu thế chủ đạo, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được cho là nước đạt lợi ích nhiều nhất từ xu hướng này.

Theo đó, câu hỏi lớn của thương mại Việt Nam là cần làm gì sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)? Vấn đề này được trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra vào ngày 12/12.

Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại nói cho rằng, "Việt Nam đã khôn ngoan khi không 'bỏ hết trứng vào một rỏ - TPP' mà có nhiều phương án dự phòng B, C, D, E và F".

Việt Nam khôn ngoan khi không "bỏ hết trứng vào một rổ TPP"
Buổi làm việc của TPP 11 tại Đà Nẵng. Ảnh: Asia Nikkei

Việt Nam luôn theo đuổi đường lối hội nhập để phát triển theo hướng đa phương, và đã vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Phó Thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn rằng: "Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết nhiều hiệp định tự do thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao, không chỉ liên quan đến thương mại, đầu tư mà còn liên quan đến mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, doanh nghiệp nhà nước...". 

Theo đó, ông khẳng định Việt Nam dù có hay không tham gia một số hiệp định tự do, như TPP - hay theo tên gọi mới là CPTPP, điều đó không ngăn cản Việt Nam tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nicholas Audier, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tin tưởng rằng, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), Việt Nam sẽ đón nhận "một làn sóng" đầu tư mới vào Việt Nam và kim ngạch thương mại có thể gia tăng đến 50% trong những năm tới.

Các phương án dự phòng của Việt Nam

Phương án B của Việt Nam là Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại - một hiệp định hiệu quả trong khuôn khổ WTO - nhờ đó có thể giảm đáng kể chi phí vận tải trong chuỗi cung ứng. Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thực thi hiệp định này.

Phương án C với nội dung tiếp tục thực thi các HIệp định về gia nhập WTO năm 2007 hay các Hiệp định thương mại song phương (FTA) hiện hành. Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc là ví dụ điển hình.

Phương án D là tiếp tục thực hiện các mục tiêu của các Hiệp định Cộng đồng Kinh tế ASEAN với 09 quốc gia thành viên ASEAN, tiếp tục hội nhập về quy chế, thủ tục, miễn thị thực chothể nhân giữa các nước, tiến tới tự do hóa sự dịch chuyển của nguồn vốn, hang hóa dịch vụ trong khối ASEAN.

Phương án E là tiếp tục đàm phán các hiệp định song phương, đa phương khác, như FTA với EU, RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Trong quá trình này, Việt Nam còn được hưởng lợi từ 'TPP11' - tức hiệp định TPP mà không có Mỹ tham gia. Việt Nam cần tiếp tục đi theo đường lối đa phương khôn khéo của mình để tận dung được tối đa những cơ hội trên.

Phương án F là tiếp tục công cuộc cải cách trong nước, có nghĩa là Việt Nam phải duy trì được vị thế cạnh tranh và tang cường giảm nghèo. Cải cách thủ tục hành chính giúp Nhà nước giữ vai trò hậu thuẫn hiệu quả hơn trong việc xây dựng các ngành công nghiệp nhằm tạo ra các liên kết và tang sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.