1,4 tỷ USD tiền mặt tại ACV

Trần Anh - 07:05, 30/01/2020

TheLEADERĐây là số tiền được ACV thu xếp cho kế hoạch trở thành nhà đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2019 với điểm nhấn là lượng tiền mặt tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2019, ACV có tổng cộng 31,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt và các khoản tiền gửi trong ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng, tương đương với khoảng 1,4 tỷ USD. Con số này tăng 30% so với thời điểm đầu năm 2019 và chiếm hơn nửa tổng tài sản của công ty.

Đây là số tiền được ACV thu xếp cho kế hoạch trở thành nhà đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo Báo cáo Tiền khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 cần tổng cộng hơn 4,7 tỷ USD, thực hiện xây dựng từ năm 2020-2025. Với quy mô xây dựng gồm 1 đường cất/hạ cánh, 1 nhà ga công suất 25 triệu hành khách/năm, và 1 nhà ga hàng hoá công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Chính phủ đưa ra 3 phương án về nguồn vốn đầu tư, là sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ; hoặc đấu thầu tìm nhà đầu tư; hoặc giao ACV đầu tư, khai thác bằng vốn doanh nghiệp.

Sau khi phân tích các yếu tố về tài chính, sự điều hành của nhà nước, an ninh – quốc phòng, Chính phủ đề xuất Quốc hội chọn phương án giao ACV thực hiện, ACV tự thu xếp vốn, không sử dụng tiền ngân sách.

Theo phương án huy động vốn đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1, với 3 trên 4 hạng được đề xuất giao ACV đầu tư khai thác có tổng vốn cần huy động hơn 4,19 tỷ USD. Riêng hạng mục kiểm soát không lưu được giao Tổng Cty Quản lý bay thực hiện.

Trước đó, phía ACV đã cho biết đủ sức chuẩn bị khoảng 1,5 tỷ USD, phần còn lại có thể vay thương mại hoạc huy động nguồn lực từ các định chế tài chính.

Là công ty được hưởng lợi chính từ sự bùng nổ du lịch và hàng không của Việt Nam, việc ACV quyết định đầu tư vào Long Thành giúp đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Mặc dù vậy, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc tăng mạnh vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng sẽ tác động lớn tới dòng tiền trong tương lai của công ty.

VCSC nhận định, doanh thu và lợi nhuận của ACV trong tương lai có thể bị tác động nếu vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhiều hơn dự kiến, chậm trễ trong việc mở rộng công suất sân bay có thể ảnh hưởng tăng trưởng lưu lượng hành khách, lượng hành khách Trung Quốc giảm, lỗ tỷ giá từ nợ đồng yên Nhật.

Trong quý 4 vừa qua, dù các doanh nghiệp trong ngành vận tải hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air gặp nhiều thách thức, ACV vẫn đang ăn nên làm ra. Công ty ghi nhận doanh thu tăng 15%, đạt 4.793 tỷ đồng, nhờ sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng lên.

Doanh thu hoạt động tài chính trong quý 4 đã tăng gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 921 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 2.432 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Lũy kế cả năm, ACV báo doanh thu 18.293 tỷ đồng, tăng 13,5%; lãi sau thuế 8.343 tỷ đồng, tăng 35%. Công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng vượt 26% kế hoạch lợi nhuận.

Mặc dù có nguồn tiền gửi dồi dào nhưng hiện tại ACV cũng đang đi vay gần 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ODA đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Nội Bài. 

Trong năm 2020, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thông qua đề xuất của ACV chỉ tiêu tổng hành khách qua các cảng hàng không thuộc tổng công ty là 111 triệu khách, tổng hàng hóa và bưu kiện là 1,6 triệu tấn, lượt hạ cất cánh là 715.000 lượt. Về kế hoạch kinh doanh, ACV cần đảm bảo lợi nhuận sau thuế 8.649 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả đạt được năm 2019.