3 trụ cột 'xanh hóa' ngành giao thông vận tải

Phạm Sơn - 14:44, 23/09/2023

TheLEADERBên cạnh điện khí hóa, thực hành kinh tế tuần hoàn và tăng cường hiệu quả vận hành của các phương tiện giao thông cũng là yếu tố quan trọng giúp ngành giao thông vận tải đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

3 trụ cột 'xanh hóa' ngành giao thông vận tải
Tăng cường sử dụng giao thông công cộng "xanh" là giải pháp hiệu quả để giảm phát thải và giảm thiểu chi phí ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Anh

Sản xuất và tung ra thị trường hơn 7 nghìn chiếc xe điện, tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban kế hoạch kinh doanh Toyota Việt Nam cho biết, công ty “vẫn chưa thỏa mãn” và hé lộ sẽ tiếp tục tung ra nhiều mẫu xe điện mới trong tương lai.

Ông Hiếu cho biết, dự báo đến năm 2030, khoảng 30% xe ô tô được bán ra tại Việt Nam sẽ là xe điện, tức khoảng 300 nghìn xe. Như vậy, điện khí hóa không phải là giải pháp duy nhất, đòi hỏi phải áp dụng những giải pháp giảm phát thải một cách hiệu quả cho 700 nghìn chiếc xe còn lại.

Đó chính là lý do Toyota hiện đang nghiên cứu năng lượng xanh, nhiên liệu sinh học dùng cho xe chạy xăng. Đồng thời, công ty cũng tính toán bài toán thu hồi ô tô thải bỏ, đặc biệt là thu hồi lại pin xe điện để tái chế theo mô hình “mỏ trong thành phố”.

Đồng quan điểm với đại diện Toyota Việt Nam là điện khí hóa không phải giải pháp duy nhất, theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô đại học Bách khoa Hà Nội, để đạt được phát thải ròng bằng 0 trong ngành giao thông vận tải, cần nghiên cứu theo hướng “khép kín vòng lặp”.

Ông Phúc nhận định, đánh giá phát thải của một chiếc ô tô không thể chỉ nhìn vào lượng phát thải khi vận hành mà còn phải nhìn vào cả vòng đời, từ khâu sản xuất cho đến khi thải bỏ, thậm chí phải tính đến nguồn năng lượng chiếc xe sử dụng.

Hiện nay, điện than vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn nên không thể nói chiếc xe chạy điện là xanh hoàn toàn. Bên cạnh đó, sản xuất thép, pin… dùng cho xe cũng gây ra nguồn phát thải đáng kể.

Đó chính là lý do việc xanh hóa ngành giao thông vận tải để đạt được phát thải ròng bằng 0 không thể thiếu sự đóng góp của các mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng. Cùng với đó, tối ưu hóa vận hành để giảm tiêu hao năng lượng cũng là giải pháp quan trọng cần được áp dụng.

Còn theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), bên cạnh việc phát triển xe điện, cần phải tăng cường hệ thống giao thông công cộng.

Ông Huy nhìn nhận, tắc đường là một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự lãng phí năng lượng và gia tăng phát thải không cần thiết. Do đó, tăng cường giao thông công cộng để giảm sức ép cho hạ tầng đường bộ là chìa khá để vừa giảm phát thải, vừa tiết kiệm thời gian cho người tham gia giao thông.

Tất nhiên, giao thông công cộng cũng cần phải “xanh”, Bộ Công thương cũng đã ban hành báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21), việc thay thế các động cơ diesel bằng động cơ điện cho các phương tiện hạng nặng, bao gồm xe bus, có thể tiết giảm chi phí ô nhiễm môi trường lên đến 350 triệu USD mỗi năm.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, cho biết, giảm phát thải ngành giao thông hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần chia làm nhiều giai đoạn.

Trong đó, từ nay đến năm 2030, giải pháp ưu tiên là tính toán làm sao tối ưu mạng lưới giao thông công cộng cũng như giảm sức ép của giao thông lên hạ tầng đô thị.

Cùng với đó, giai đoạn này cũng cần phải xây dựng thể chế, chính sách bước đầu khuyến khích sử dụng xe điện trong đường bộ, lấy đó làm nền móng triển khai chính sách giảm nhập khẩu phương tiện động cơ đốt trong sau năm 2030, tiến đến chỉ lưu hành các loại “xe sạch”.

Với lộ trình này, nếu được thực hiện nghiêm túc, bài bản, chuyên gia về giao thông nhận định, ngành giao thông vận thải có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng vào năm 2045.