4 rào cản cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế

An Chi - 10:51, 30/06/2021

TheLEADERNhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của Chính phủ.

4 rào cản cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Nền kinh tế đang tìm mọi cách để phục hồi nhanh

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay đạt 5,64%. Tuy con số này gấp hơn ba lần mức tăng của cùng kỳ 2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm 2018, 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.

GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2018 và 2019.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đang cho thấy những dấu hiệu không mấy khả quan.

Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với dự báo trước đó của Bộ Kế hoạch và đầu tư là 5,8%. Với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra (GDP quý I/2021 tăng 5,12% và quý II tăng trên 6%).

"Trước đó, mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ là GDP tăng 6,5%, còn theo kế hoạch năm 2021 được Quốc hội giao khoảng 6%. Tuy nhiên, năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó”, ông Lực nói.

Tại tọa đàm kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, vị chuyên gia này nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%. Kết quả này sẽ tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.

Thậm chí, có những tổ chức quốc tế từng lạc quan dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt 7%, song theo ông Lực, những tác động từ đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng.

"Tăng trưởng kinh tế vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, mức tăng trưởng 6% cũng là thành công", ông Lực nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đại dịch đã tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm rất đáng khích lệ. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát để làm nền tảng cho kinh tế năm tới.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% Chính phủ đề ra từ đầu năm rất khó khăn.

Trải qua hết đợt dịch đầu tiên của năm 2021, các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô đã phải điều chỉnh xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, hiện tăng trưởng GDP trong quý II vừa qua vẫn thấp hơn mức đã được điều chỉnh.

Đây là một thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế hai quý cuối năm và cả năm 2021, ông Thành nhấn mạnh và chỉ ra bốn rào cản của Việt Nam trước tác động của đại dịch.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Trong khi đó, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nguồn cung đầu vào cho rất nhiều sản phẩm đang thiếu nghiêm trọng. Điều này đang gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh và sự phục hồi của nền kinh tế.

Thứ hai, năng lực logistics, hậu cần vận tải của Việt Nam hiện còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được quá trình phục hồi nền kinh tế. 

Thứ ba, giá cả và lạm phát đang có xu hướng gia tăng.

Thứ tư, đợt dịch Covid-19 vừa qua ở Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm sản xuất lớn của cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Đông Nam Bộ. Đây là những khu vực đang giữ tỷ trọng rất cao trong sản xuất và xuất khẩu công nghiệp, mức thiệt hại đến nền kinh tế là rất lớn.

Với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, ông Thành dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 nhiều khả năng sẽ giữ ở mức 6%.