61% dân số Việt Nam sử dụng những trang web vi phạm bản quyền
Hường Hoàng
Thứ năm, 29/09/2022 - 16:52
Truy cập vào những trang “phim lậu”, dùng torrent để “chia sẻ lậu” nội dung, xem bóng đá livestream trên Facebook... là những hoạt động giải trí hằng ngày của nhiều người trong chúng ta. Nhưng không nhiều người biết rằng, đó là hành vi xâm phạm bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả của bộ phim, chương trình đó.
Những hành động này không chỉ gây thiệt hại lớn cho các nhà làm phim Việt Nam, làm giảm động lực sáng tạo cho điện ảnh nước nhà mà còn là điểm nghẽn cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Biện pháp xử lý chưa đủ răn đe
Cũng giống như các nước trên thế giới, phim và video là những nền tảng giải trí chính của người dân Việt Nam. Vào thời kỳ Covid-19, thị trường này càng trở nên sôi động hơn do người dân phải ở nhà trong thời gian dài. Tuy vậy, theo khảo sát, giai đoạn này chính là thời gian các tác phẩm điện ảnh bị xâm phạm nhiều nhất.
Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, trước đây, hành vi vi phạm bản quyền các tác phẩm điện ảnh đã xảy ra, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Từ khi nền tảng số phát triển, số lượng và quy mô của các hành vi xâm phạm bản quyền đã được đẩy lên cao nhất. Vì vậy, những hãng phim lớn trong hiệp hội bà đã phải chịu những tổn hại rất lớn do các hoạt động này.
Điển hình, trong năm 2017, vụ việc một khán giả livestream bộ phim Cô Ba Sài Gòn (do diễn viên Ngô Thanh Vân thủ vai chính) lên Facebook đã gây thiệt hại nặng nề cho hãng phim Studio 68, với giá trị ước tính lên đến 250 triệu đồng.
Hãng cung cấp phim Galaxy Play cũng bị từng bị phimmoi vi phạm bản quyền đến 25 lần. Trong nhiều trường hợp, Galaxy Play không phải là nhà sản xuất mà chỉ là bên phân phối; nếu bị đánh cắp, mức độ thiệt hại của họ sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần.
Bà Phương Lan cho biết: “Tôi cảm thấy rất vui mừng khi phimmoi bị khởi tố, vì chúng ta đã đánh giá được tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền. Nhưng điều đáng tiếc là dù đã khởi tố cách đây một năm nhưng chúng ta vẫn chưa có những hình phạt răn đe đủ mạnh. Việc nhận thức được là cực kỳ quan trọng, tuy nhiên hình phạt đủ mạnh, đủ tính răn đe sẽ đem lại hiệu ứng mạnh mẽ hơn”.
Có 3 hình thức vi phạm bản quyền chính trên thế giới: qua các ứng dụng, qua streaming và các trang web torrents; và cuối cùng là qua các nền tảng mạng xã hội.
Theo ông Matthew Cheetham, Tổng giám đốc Liên minh chống Vi phạm bản quyền (CAP), trong bảng khảo sát mức độ vi phạm bản quyền ở một số nước châu Á, Malaysia và Philipines là hai nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền qua mạng xã hội tương đối cao với tỉ lệ lần lượt là 48% và 44%. Tỉ lệ này ở Việt Nam cũng cao không kém, ở mức 38%.
Về phương thức sử dụng qua các website và Torrent, Việt Nam còn là nước vi phạm bản quyền cao nhất trong bảng khảo sát này với tỉ lệ vi phạm lên đến 61% và 29%.
Theo bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE), mặc dù không có những số liệu cụ thể, bà có thể khẳng định nhận thức của người dân Việt Nam đã tốt hơn lên so với 10 năm về trước. Tuy vậy, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng việc xem phim trên mạng đương nhiên là miễn phí, vì vậy, đổi nhận thức của họ từ miễn phí sang nền tảng trực tuyến là một việc cực kỳ khó khăn.
Chặn website vi phạm có tác động tích cực trong thay đổi hành vi người dùng
Theo khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền, hoạt động chặn các website vi phạm có tác động rất tích cực trong việc thay đổi hành vi người dùng đối với bản quyền.
Cụ thể, quy định số 05 năm 2020 của Bộ công nghệ thông tin và truyền thông Indonesia (Komifo) về việc đăng ký, kiểm duyệt nội dung, quản trị, yêu cầu chấm dứt quyền truy cập và cấp quyền truy cập vào dữ liệu người dùng của những nội dung số đã mang lại những kết quả rất khả quan.
Theo đó, nếu phát hiện hành vi vi phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền sẽ gửi bằng chứng cho Komifo để đánh giá nội dung và xác định trang web đó có vi phạm hay không. Nếu vi phạm, Komifo sẽ đưa ra lệnh chặn trong vòng 48 giờ sau đó.
Với hoạt động này, hàng trăm trang web vi phạm bản quyền đã bị chặn. Kết quả là tỉ lệ truy cập vào những trang web vi phạm bản quyền ở Indonesia đã giảm nhanh chóng, nâng tỉ lệ truy cập vào những trang hợp pháp lên cao sau 2 năm áp dụng.
Cũng theo khảo sát này, ở Việt Nam, gần 50% người dùng đã dừng xem hoặc ít xem những nội dung vi phạm bản quyền hơn do các trang vi phạm đã bị chặn. Trong đó, 19% người dùng đã chuyển sang những dịch vụ thay thế khác. Như thế chúng ta có thể thấy người dùng Việt Nam đã có nhận thức cao hơn về việc tôn trọng bản quyền.
Việc chặn những trang web vi phạm đã làm thay đổi hành vi người dùng, làm họ chuyển sang những trang web không vi phạm hoặc trả phí thuê bao, từ đó gián tiếp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền.
Hợp tác và nâng cao nhận thức người dùng – nền tảng của môi trường tôn trọng bản quyền
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng là điều rất quan trọng. Chúng ta cần có luật để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng. Hiện tại, Việt Nam đang trong danh sách theo dõi về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Matthew, môi trường sở hữu trí tuệ chưa lành mạnh sẽ khiến nhiều nhà đầu tư phải rất cân nhắc khi tham gia vào thị trường Việt Nam. Dù mới ở tầm cảnh báo, nhưng Việt Nam nên có những hành động cụ thể để có thể giải quyết hiệu quả hơn về vấn đề này.
Cụ thể, ông đề xuất các quốc gia nên có khuôn khổ pháp lý hiệu quả trong vấn đề sở hữu trí tuệ; tiếp cận vấn đề một cách hoàn thiện, tránh làm việc đơn độc. Thêm vào đó, cần có sự chung tay từ tất cả thành phần trong xã hội: chính phủ, công chúng, các tổ chức và người tiêu dùng...
Cuối cùng, các quốc gia cần giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của dân chúng về tôn trọng bản quyền nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Nguời dân, khán giả không nên tiếp tay cho những hành vi “ăn cắp” bản quyền, bởi bảo vệ bản quyền là bảo vệ văn hóa dân tộc, tạo động lực và chắp cánh hơn nữa cho nền kinh tế sáng tạo và phát triển.
Với tính chất xuyên biên giới và đa chủ thể tham gia, không gian mạng đã mang lại không ít cơ hội kinh doanh, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức khó lường trong hoạt động kiểm soát hàng giả, hàng nhái và hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sáng tạo.
Hoạt động kinh doanh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là mối đe dọa lớn đối nền kinh tế, an ninh và xã hội toàn cầu. Mới đây, INTERPOL đã tổ chức sự kiện kéo dài ba ngày tại Hàn Quốc với sự có mặt của 450 quan chức thực thi pháp luật thuộc 70 quốc gia, nhằm chung tay tìm hướng giải quyết vấn đề này.
Nổi tiếng là quốc gia có số lượng hàng giả, hàng nhái lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc thường xuyên nằm trong danh sách theo dõi của nhiều quốc gia về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, với nỗ lực làm lành mạnh hóa nền kinh tế trong nước, môi trường sở hữu trí tuệ (SHTT) của Trung Quốc đang dần có sự hoàn thiện và trưởng thành.
Chẳng ai có thể nghi ngờ được giá trị tri thức khổng lồ của những sản phẩm trong ngành thời trang, cho dù đó là thời trang may sẵn hay thời trang cao cấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thời trang vừa và nhỏ vẫn còn chưa chú ý đến việc bảo vệ những tài sản trí tuệ đó.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.