7 giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững

Huy Hoàng - 14:22, 26/06/2019

TheLEADERPhó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

7 giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu và cũng là động lực cho quá trình phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập cao nhất trong 5 năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và nhiều chỉ số của Việt Nam tăng mạnh như chỉ số đổi mới sáng tạo.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại như năng suất, năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo cũng như những bất cập từ quy định về đầu tư, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng khẳng định phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trước hết là ưu tiên phát triển nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực, đồng thời phải phát triển bền vững.

“Đây là điều kiện đủ để đảm bảo cho Việt Nam phát triển trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phát triển bền vững trước hết phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thực hiện các mục tiêu vì con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Cùng với đó, phải đảm bảo việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính tiền tệ.

Phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề công nghệ, thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm, xây dựng nền công nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Việt Nam cũng cần từng bước phát triển nhanh nền công nghiệp môi trường, thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra các nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên.

Trước hết, giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội. “Đây là nhân tố quyết định để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và cũng là một nhân tố cho phát triển bền vững”.

Thứ hai, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách hợp lý nhằm nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, tập trung vào tài cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp với doanh nghiệp Nhà nước là chủ yếu; tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, các ngành nghề lĩnh vực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Phó thủ tướng, cần lấy thị trường thế giới và thị trường khu vực làm mục tiêu để phát triển các sản phẩm công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, tập trung tái cấu trúc ngành năng lượng, tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị xanh, thông minh.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, chú trọng đến giáo dục đào tạo, coi giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ là quốc sách để Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Coi đây là là nhân tố quyết định cho sự phát triển và nhân tố cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh hơn, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực cho đầu tư cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ sáu, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu Nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Thứ bảy, Việt Nam tiếp tục tích cực thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cả song phương và đa phương với những khu vực phát triển của thế giới.

“Đây là môi trường rất tốt để thúc đẩy Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Phát triển bền vững là mục tiêu và cũng là động lực cho quá trình phát triển”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.