90% người Úc lo sợ rằng các thế hệ tương lai sẽ không thể mua được nhà

Minh Hoàng - 14:51, 05/10/2017

TheLEADERSố lượng thế hệ trẻ Úc sở hữu nhà riêng đang tụt xuống mức thấp kỉ lục, đây như một xu hướng chung trong cả các tầng lớp khác, ngoại trừ những người giàu có.

90% người Úc lo sợ rằng các thế hệ tương lai sẽ không thể mua được nhà
Thành phố Sydney. Ảnh: Property Observer

Tại Sydney, Úc, mức lãi suất đầu tư thấp kỷ lục, sự thiếu nguồn cung và hệ thống thuế ưu đãi cho những nhà đầu tư bất động sản đã đẩy giá nhà đất tại đây lên hơn 140% trong 15 năm trở lại đây.

Theo đó, Sydney đã vượt mặt London và New York để trở thành thị trường nhà đất đắt đỏ thứ hai thế giới. Melbourne được xếp hạng là thành phố đáng sống nhất Thế giới trong 7 năm vừa qua theo đánh giá của The Economist Intelligence Unit, giờ lại trở thành nơi có giá nhà đắt thứ 6 trên hành tinh.

Chỉ có 45% số người có độ tuổi từ 25 - 34 sở hữu nhà riêng, giảm 16% so với những năm 80. Đồng thời, các khoản vay thế chấp đã đẩy nợ hộ gia đình lên mức kỷ lục, theo đó, nhiều người đến khi nghỉ hưu vẫn còn ôm nhiều khoản nợ.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Quốc gia Úc, có khoảng 90% người Úc lo sợ rằng các thế hệ tương lai sẽ không thể mua được nhà. Một trong những điểm nóng nhất là ưu đãi thuế đã biến nhà ở thành một tài sản đầu cơ tài chính. Khách mua nhà thường phàn nàn rằng, họ không thể cạnh tranh với các nhà đầu tư, những người đã được thông qua những khoản khấu trừ thuế đặc biệt. 

Sự hấp dẫn của đầu tư bất động sản đã tăng mạnh vào năm 1999, khi thuế lợi tức tăng gấp đôi. Các nhà đầu tư đổ tiền vào nhà đất được xem như là một sự đặt cược một chiều. Hơn 2 triệu người, tức là chỉ 1/12 số dân Úc sở hữu một khoản đầu từ bất động sản, với gần 30% trong số họ sở hữu trên hai bất động sản.

Một gói giải pháp trích từ ngân sách được đưa ra trong tháng 5 nhằm cải thiện khả năng chi trả của người mua chỉ được quan tâm ở vài khía cạnh - nhắm đến các nhà đầu tư nước ngoài từ bỏ đầu tư vào bất động sản và giảm thuế cho những người đặt cọc vào căn nhà đầu tiên của họ. Các bang cũng chỉ can thiệp rất ít về vấn đề này, họ đưa ra các chính sách như giảm thuế hay trợ cấp cho những người mua nhà lần đầu nhưng chỉ là những hành động đẩy giá nhà lên cao hơn.

Trong khi đó, các chính trị gia chỉ đưa ra nhưng giải pháp hời hợt. Cựu Bộ trưởng tài chính Úc Joe Hockey cho rằng, những người đang cố gắng tham gia vào thị trường chỉ đơn giản là ”tìm một công việc tốt và một khoản thu nhập tốt”. Phó thủ tướng Barnaby Joyce cho rằng, những người không đủ tiền để sống tại Sydney nên “linh hoạt” hơn như chuyển về vùng nông thôn như Charleville ở ngoại ô Queensland – nơi mà giá nhà chỉ bằng một phần 6 tại Sydney nhưng vấn nạn thất nghiệp trẻ thì cao nhất cả nước.

Judith Yates, người đã tư vấn cho chính phủ về chính sách nhà ở và là phó giáo sư danh dự tại Đại học Sydney, cho biết: "Các chính trị gia hiện nay đã đưa ra các giải pháp viện trợ có thể ổn định tạm thời trong ngắn hạn nhưng sẽ không hiệu quả trong dài hạn. Chưa có một nỗ lực nào thực sự nghiêm túc để giải quyết những nguyên nhân cơ bản của việc giảm khả năng chi trả nhà ở của người dân".

Ngược lại, các thành phố khác trên toàn cầu đã áp dụng các biện pháp khắc nghiệt hơn để kiềm chế giá nhà đất. Singapore đã đưa ra một loạt các biện pháp từ việc cấm các khoản vay chỉ trả tiền lãi làm tăng thuế trước bạ, giúp giá nhà đất giảm liên tiếp trong ba năm. Ở Canada, giá nhà đất đã sụt giảm tại thành phố Toronto sau khi chính quyền thành phố thông báo một loạt các biện pháp, bao gồm đánh thuế 15% đối với người mua nước ngoài và áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền thuê.

Cầu cao cũng là yếu tố đẩy giá nhà đất lên cao tại Úc, chương trình di cư của Úc đã làm cho dân số nước này tăng thêm gần 4 triệu người kể từ năm 2006, hầu hết là ở các thành phố lớn. Khả năng cung ứng không thể theo kịp mức tăng của cầu, do vậy, phần lớn nhà ở mới là căn hộ nhỏ hướng đến đối tượng là các nhà đầu tư, chứ không phải gia đình.