Ai là chủ sở hữu tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình lao động?

Nguyễn Anh Thuỳ Dung * - 10:53, 10/07/2023

TheLEADERRichard làm việc cho tờ Daily Times. Anh ấy đã công bố một câu chuyện từng đoạt giải thưởng về tội phạm và tuổi trẻ ở Anh. Một ngày nọ, Richard nghe tin toà soạn nơi anh làm việc đã bán câu chuyện của anh cho một tờ báo Mỹ để đăng. Richard cáo buộc rằng, bản quyền của anh ấy đã bị vi phạm.

Ai là chủ sở hữu tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình lao động?

Tương tự như các quốc gia khác, Vương quốc Anh đã có những quy định cụ thể nhằm xác định ai là chủ sở hữu tài sản trí tuệ do người lao động sáng tạo ra. Xuyên suốt quá trình lao động, người lao động có thể tạo ra các tài sản trí tuệ cực kì có giá trị, ví dụ như các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, sân khấu, âm nhạc hoặc nghệ thuật.

Vậy ai mới là chủ sở hữu thật sự đối với các tác phẩm đó, người lao động hay người sử dụng lao động. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc cách thức để xác định ai là chủ sở hữu tài sản trí tuệ do người lao động sáng tạo ra trong quá trình làm việc, dựa trên nền tảng pháp luật Anh.

Quy định tác giả chính là chủ sở hữu bản quyền đối với các tác phẩm mà họ đã sáng tạo ra đã được xác nhận trong Đạo luật Anne 1709/10, đạo luật bàn về bản quyền đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, tại mục 11(1) Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Bằng sáng chế năm 1988 (Đạo luật 1988) của nước Anh cũng tuyên bố rằng “Tác giả của tác phẩm là chủ sở hữu đầu tiên của bất kỳ bản quyền nào”.

Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ, mục 11(2) đặc biệt quy định rằng khi tác phẩm được tạo ra trong quá trình lao động của tác giả thì chủ sở hữu tác phẩm không hiển nhiên là tác giả, mà là người sử dụng lao động.

Quay trở lại vụ việc giả định về Richard (**), để xác định được liệu Richard có phải là người sở hữu bản quyền đối với câu chuyện trên hay không và liệu tờ Daily Times có thực sự vi phạm bản quyền hay không, chúng ta cần xem xét ba yếu tố quan trọng : (1) Tác phẩm do người lao động sáng tạo; (2) Tác phẩm được tạo ra trong quá trình làm việc; (3) Không có thỏa thuận khác.

Tác phẩm do người lao động sáng tạo

Mục 77 Đạo luật 1988 quy định rằng người sở hữu đầu tiên đối với "một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật hoặc một bộ phim được thực hiện bởi người lao động trong quá trình làm việc của họ" là người sử dụng lao động, trong khi đó người lao động vẫn giữ các quyền nhân thân (quyền đứng tên tác giả và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) đối với các tác phẩm do họ tạo ra.

Đạo luật 1988 cũng đã định nghĩa rõ ràng về “người lao động”, đây là người được tuyển dụng "theo hợp đồng dịch vụ hoặc học nghề". Điều đó có nghĩa là khi một người ký hợp đồng lao động với một cơ quan hoặc công ty, họ đã hình thành mối quan hệ lao động với công ty này. Về phía người lao động, họ được tuyển dụng để tạo ra những sáng tạo trí tuệ dựa trên những nỗ lực, kỹ năng và sức lao động của mình.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao người sử dụng lao động có được quyền sở hữu trong khi họ không tạo ra những tác phẩm này? Mặc dù họ không trực tiếp tạo ra tác phẩm, nhưng họ đầu tư vào cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, thông tin nhằm cung cấp cho người lao động điều kiện làm việc tốt nhất có thể[1].

Điều đó cũng có nghĩa là người sử dụng lao động đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tác phẩm mới. Bên cạnh đó, để công nhận cho những nỗ lực sáng tạo của nhân viên, người sử dụng lao động sẽ khen thưởng cho nhân viên bằng các hình thức khác như tăng tiền lương, cơ hội thăng tiến cũng như các khoản đãi ngộ thêm. Vì vậy, việc trao quyền sở hữu đầu tiên cho người sử dụng lao động được đánh giá là có ý nghĩa hơn so với người lao động.

Trong câu chuyện của Richard, anh được coi là nhân viên của tờ báo Daily Times. Giữa anh và Daily Times đã phát sinh mối quan hệ lao động dựa trên hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Tuy nhiên, để xác định tính chính xác liệu rằng Daily Times có phải là chủ sở hữu đối với câu chuyện mà Richard đã viết, chúng ta cần phải tiếp tục xem xét đến các yếu tố tiếp theo.

Tác phẩm được tạo ra trong quá trình lao động

Nhìn chung, để xác định xem người sử dụng lao động có phải là chủ sở hữu đầu tiên đối với các tác phẩm, thì họ phải chứng minh rằng các tác phẩm đó đã được tạo ra trong quá trình lao động. Tương tự như vậy, nếu một nhân viên muốn sở hữu quyền sở hữu bản quyền, anh ta phải chứng minh rằng tác phẩm nói trên không được tạo ra trong quá trình anh ta làm việc. Điều đó cũng hàm ý rằng khi người lao động đưa ra các yếu tố như địa điểm, thời gian nhằm chứng minh mình không sử dụng phương tiện, vật liệu cũng như thời gian lao động để sáng tạo tác phẩm thì người lao động với tư cách là tác giả có quyền giữ lại quyền sở hữu đối với tác phẩm của mình.

Hãy lấy trường hợp Byrne v Statis Co làm ví dụ. Nguyên đơn là thành viên ban biên tập của một tờ báo, anh ta đã dịch một bài phát biểu được xuất bản bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Anh để đăng trên tạp chí nơi anh ta làm việc. Mặc dù người sử dụng lao động đã trả tiền cho bản dịch trên, tuy nhiên nguyên đơn vẫn tuyên bố rằng anh ấy là chủ sở hữu bản quyền vì bản dịch trên hoàn toàn được thực hiện trong thời gian rảnh rỗi của anh ấy (tức ngoài giờ làm việc). Do đó, tòa án kết luận rằng anh ta là chủ sở hữu đầu tiên của bản quyền vì bản dịch không được thực hiện trong quá trình làm việc của anh ta.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác cần được xem xét là việc tạo ra tác phẩm có thuộc trách nhiệm của người lao động được quy định trong phạm vi nghĩa vụ hoặc trong hợp đồng lao động hay không.

Ví dụ, trong trường hợp của Noah v Shuba, Tiến sĩ Noah được biết đến với tư cách là tác giả của cuốn sách có tên “Cẩm nang hướng dẫn xỏ khuyên hợp vệ sinh”. Trong quá trình sáng tạo này, Tiến sĩ Noah là nhân viên của Public Health Labratory. Ông đã sử dụng các dịch vụ của Public Health Labratory để phục vụ cho việc viết sách. Không những thế, bản thảo gốc của tiến sỹ Noah cũng đã được thư ký của anh ấy đánh máy và Public Health Labratory đã trả tiền cho việc xuất bản cuốn sách này.

Tuy nhiên, thẩm phán Morris phát hiện ra rằng Tiến sĩ Noah đã viết bản thảo tại nhà của ông ấy vào buổi tối và cuối tuần. Ngoài ra, Public Health Labratory chỉ yêu cầu Tiến sĩ Noah xuất bản các bài báo theo quy định trong hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Vì vậy, cuốn sách của Tiến sĩ Noah không được xem là sáng tác trong quá trình làm việc và việc viết sách không thuộc nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng lao động giữa đôi bên. Do đó chủ sở hữu đầu tiên của bản quyền cuốn sách chính là Tiến sĩ Noah.

Tương tự như trường hợp của Richard, nếu Richard muốn chứng minh rằng bản quyền câu chuyện của mình đã bị tờ Daily Times vi phạm, thì anh ta phải chứng minh được rằng câu chuyện của mình được sáng tác trong phạm vi ngoài giờ làm việc và Richard cũng không sử dụng bất cứ cơ sở vật chất của toà soạn trong quá trình sáng tác. Hơn nữa, việc viết câu chuyện này nằm ngoài phạm vi và nghĩa vụ của Richard đối với Daily Times theo đúng quy định trong hợp đồng lao động đã được ký kết. Do đó nếu Richard đáp ứng được hai yếu tố trên thì có đầy đủ căn cứ để xác định câu chuyện không được tạo ra trong quá trình anh ấy làm việc và tờ Daily Times cũng không phải là chủ sở hữu đầu tiên đối với bản quyền câu chuyện của anh ấy.

c. Các bên có thỏa thuận khác

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bản quyền sẽ không thuộc về người sử dụng lao động trừ khi có thỏa thuận khác dù bằng văn bản, lời nói, rõ ràng hay ngụ ý. Ví dụ trong hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cho phép người lao động sở hữu bản quyền trong tác phẩm của họ hoặc cho phép người lao động yêu cầu tiền bản quyền, chuyển nhượng bản quyền cho nhà xuất bản hoặc quyền công bố tác phẩm[2].

Do đó, Richard có thể có được quyền sở hữu đầu tiên đối với bản quyền câu chuyện của mình bằng cách đưa ra bằng chứng rằng việc sáng tác ra câu chuyện của anh ấy là một thỏa thuận khác giữa Richard và tờ báo Daily Times. Mặc dù Richard đã tạo ra câu chuyện trong quá trình làm việc của mình, nhưng anh ấy vẫn là chủ sở hữu bản quyền câu chuyện căn cứ vào thoả thuận khác giữa hai bên

Kết luận

Nhìn chung, hầu hết bản quyền đối với các tác phẩm được tạo ra trong quá trình lao động sẽ được coi là thuộc về người sử dụng lao động.Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, quyền sở hữu bản quyền lại thuộc về người lao động. Để xác định chính xác ai là chủ sở hữu quyền tác giả, cần xem xét tác phẩm có được sáng tạo trong quá trình người đó làm việc hay không. Ngoài ra, việc sáng tạo ra các tác phẩm có thuộc trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động hay không. Cuối cùng, liệu có thỏa thuận bằng văn bản hay ngụ ý khác cho rằng bản quyền sẽ thuộc về người lao động hay không?

Tương tự, theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều 39 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005, khi người lao động làm việc cho một cơ quan, tổ chức nào đó, bất cứ sản phẩm nào được tạo ra trong quá trình làm việc đều thuộc về tổ chức, tức tổ chức chính là chủ sở hữu tài sản trí tuệ của tác phẩm do chính người lao động trong tổ chức mình sáng tạo ra. Tuy nhiên để khẳng định chắc chắn quyền sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ có thực sự thuộc về cơ quan, tổ chức hay không, chúng ta cần xem xét dưới nhiều góc độ như đã được thảo luận phía trên.

[1] L. Bently, B. Sherman, D. Gangjee, and P. Johnson, Intellectual Property Law 5th ed (Oxford University Press 2016) 134.

[2] Ruth Towse, ‘Creative, Copyright and the Creative Industries Paradigm’ (2010) 3(63) 317, 467.

* Bài viết thể hiện quan điểm của bà Nguyễn Anh Thuỳ Dung - Thạc sỹ Luật (Đại học Bangor, vương quốc Anh

** Vụ việc trong bài viết là vụ việc giả tưởng của tác giả nhằm minh họa cho trường hợp tranh chấp bản quyền trên cơ sở sử dụng lao động.