Ba bài toán lớn với các nhà tiếp thị

Việt Hưng - 05:57, 15/06/2023

TheLEADERBa bài toán lớn được đặt ra với các nhà tiếp thị tại Việt Nam chính là mô hình D2C (bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng), truyền thông mạng xã hội và ứng dụng công cụ CRM.

Năm 2023 tiếp tục chứng kiến thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, kéo theo tình hình lạm phát và suy thoái toàn cầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến "sức khỏe" doanh nghiệp, lẫn đội ngũ tiếp thị của các thương hiệu.

Trong đó, ba bài toán lớn được đặt ra với các nhà tiếp thị là mô hình D2C (bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng), truyền thông mạng xã hội và ứng dụng công cụ CRM.

Ông Đặng Phú Vinh - CEO Adsota Agency nhận định: "D2C là xu hướng không thể đảo chiều và các doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh chóng để cân đối nguồn lực nhằm mang lại giá trị tối ưu cho sự phát triển của thương hiệu". 

Cụ thể, mô hình D2C đang dần trở thành xu hướng thị trường nổi bật trong thời gian gần đây, đặc biệt là lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) như thực phẩm, quần áo, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…

Lượng người mua sắm online tại Việt Nam tính đến nửa đầu 2023 đạt 60,7%, đứng thứ 13 toàn cầu. Trong đó, quy mô thị trường bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và tiêu dùng cả nước.

Ba bài toán lớn với các nhà tiếp thị
Ông Đặng Phú Vinh - CEO Adsota Agency

"Điều này chứng minh làn sóng mạnh mẽ của xu hướng D2C sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho cả người dùng và thương hiệu, vừa đảm bảo sản phẩm giá rẻ đến tận tay người tiêu dùng, vừa giảm bớt gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp hiện nay", ông Vinh chia sẻ.

Bài toán thứ hai đặt ra với các nhà tiếp thị, đó là tận dụng mức độ lan tỏa của truyền thông mạng xã hội. Trong năm 2023, video ngắn tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp khi triển khai các hình thức marketing trên nền tảng mạng xã hội.

Báo cáo xu hướng toàn Social Media toàn cầu 2023 của HubSpot chỉ ra rằng, Tiktok là nền tảng video ngắn được ưa chuộng nhất với 41%, tiếp đến là Facebook (27%) và cuối cùng là Youtube (26%).

Đặc biệt, các video ngắn có mức đầu tư ngân sách ít hơn và tỷ lệ hoàn vốn cao nhất so với các hình thức khác trên mạng xã hội. 54% nhà tiếp thị đang làm việc trên môi trường mạng xã hội cho rằng video ngắn là hình thức được ứng dụng nhiều nhất trong các chiến dịch marketing của họ.

Tất nhiên, thách thức lớn nhất đối với thương hiệu khi bán hàng thông qua mạng xã hội chính là tạo dựng niềm tin. Trong đó, 3 yếu tố được người dùng quan tâm nhất bao gồm: mức độ tin cậy/hợp pháp của thương hiệu (54%), khả năng hoàn tiền (48%), chất lượng sản phẩm (44%). Đáng chú ý, Instagram được đánh giá có tỷ tương tác cao hơn 23% so với Facebook mặc dù lượng người dùng háng tháng chỉ bằng 1/2 Facebook.

Ba bài toán lớn với các nhà tiếp thị 1
Ông Nguyễn Đắc Tình - đồng sáng lập LadiPage

Bài toán cuối cùng theo ông Đặng Phú Vinh, đó là việc ứng dụng công cụ, công nghệ trong marketing.

"Các doanh nghiệp hầu hết đều ứng dụng tốt một công cụ trong việc tối ưu tỷ lệ chuyển đổi nhưng lại chưa có sự kết hợp, liên kết chặt chẽ các công cụ đó lại với nhau. Do vậy, việc xây dựng hệ thống theo dõi hiệu quả, marketing tự động là điều cần thiết trong thời điểm công nghệ bùng nổ hiện nay", ông Vinh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đắc Tình - đồng sáng lập LadiPage tin rằng, trong 10 năm tới, công nghệ sẽ bước sang một hình thái mới, ngoài AI, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường... xu hướng marketing sẽ có sự dịch chuyển sang web 3.

Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản cho "chiến lược marketing tương lai" để đón đầu xu hướng và giữ vững tốc độ phát triển.

"Công nghệ bùng nổ không có nghĩa là nhân sự phải cắt giảm, thay vào đó các cơ hội mới sẽ mở ra, vị trí công việc sẽ trở nên đa dạng hơn do nhu cầu nghiên cứu và phát triển của từng ngành nghề", ông Nguyễn Đắc Tình nhấn mạnh.