Bước tiến dài trước khi cất cánh của Vinpearl Air

Trần Anh - 08:00, 01/01/2020

TheLEADERNếu được cấp phép theo kế hoạch, hãng hàng không Vinpearl Air của tập đoàn Vingroup sẽ chính thức cất cánh vào tháng 7/2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air. Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp cho hàng khách có thêm sự lựa chọn, nhằm tăng tính cạnh tranh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hàng không, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm dịch vụ cho cộng đồng xã hội.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Tới thời điểm hiện tại, về nguồn vốn góp chủ sở hữu, Vinpearl Air có 3 cổ đông góp vốn là CTCP Vinpearl góp 1.040 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ, ông Phạm Khắc Phương góp 195 tỷ đồng chiếm 15% vốn điều lệ, ông Hoàng Quốc Thuỷ góp 65 tỷ đồng chiếm 5% vốn điều lệ.

Về khoản vốn huy động khác, Vinpearl Air cho biết tại văn bản cam kết tín dụng ký ngày 16/9/2019, công ty và ngân hàng Vietcombank đã đồng ý về mặt nguyên tắc Vietcombank sẽ là đơn vị tài trợ, đầu mối thu xếp nguồn vốn để Vinpearl Air thực hiện dự án với cam kết cấp tín dụng tối đa lên tới 70% tổng mức đầu tư dự án, tương đương 3.290 tỷ đồng.

Dự kiến, hãng hàng không của tập đoàn Vingroup sẽ chính thức cất cánh vào tháng 7/2020. Trong năm 2020, Vinpearl Air sẽ khai thác 6 tàu bay loại tầm ngắn, trung thân hẹp 150 – 220 ghế. Hai loại máy bay cụ thể sẽ được đưa vào sử dụng là A320 – 200 Neo và A321 – 200 Neo hoặc B737-NG.

Trung bình hàng năm, Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác thêm 6 tàu bay/năm và đến 2024 đội tàu bay đạt 30 chiếc. Bên cạnh máy bay nhỏ, Vinpearl Air dự kiến khai thác thêm một số máy bay thân rộng 280 – 350 ghế là B787-9 và A350-900.

Khi bắt đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ đồng thời thuê khô (không tổ lái) và thuê ướt (có tổ lái) tàu bay nhằm giải quyết bài toán ngắn hạn. Từ năm 2022, Vinpearl Air sẽ đa dạng hóa các nguồn cung tàu bay và phương thức sở hữu như thuê mua, mua thuê lại, cũng như thuê ướt bổ sung mùa vụ.

Dự kiến, 30 tàu bay của Vinpearl Air sẽ khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế vào năm 2025.

Về hiệu quả đầu tư, theo tính toán từ phía chủa đầu tư, dự án hàng không mới này, giá trị hiện tại thuần cuối năm thứ 5 là 120,4 triệu USD; tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) trong thời gian 5 năm là 22,74%/năm; thời gian hoàn vốn: 5 – 6 năm, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.

Về hiệu quả kinh tế xã hội, Vinpearl Air dự kiến mang việc làm trực tiếp cho 500 – 600 lao động thời điểm giữa năm 2020 và tăng lên khoảng 2.200 – 2.300 lao động vào năm 2023 – 2024, chưa kể các việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, đào tạo.

Dự án có thể đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỷ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm…

Với kế hoạch của Vinpearl Air, Bộ Giao thông vận tải đánh giá định hướng 30 tàu bay vào năm 2025 là phù hợp với quy hoạch ngành hàng không Việt Nam và “không ảnh hưởng tới vai trò nòng cốt của Vietnam Airlines”.

Đến năm 2020, tổng công suất thiết kế của các cảng hàng không Việt Nam đạt 144 triệu khách/năm, và số vị trí đỗ tàu bay là 401 vị trí, về tổng thể có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển đội tàu bay 384 chiếc (năm 2025) của các hãng hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng lưu ý Vinpearl Air phải xem xét để có những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế như tìm chỗ đỗ tàu bay do tình trạng quá tải ở các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài trong các năm tới.

Bên cạnh đó, Bộ tài chính cũng đề nghị Vinpearl Air đánh giá chi tiết, bổ sung các yếu tố rủi ro khi thực hiện dự án. Đề nghị bổ sung nội dung đánh giá khả năng cạnh tranh và tác động về sản phẩm, dịch vụ của Vinpearl Air đối với các hãng hàng không hiện hữu đang có kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh như Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air, Bamboo Airways.