Bamboo Airways tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng

Trần Anh - 13:30, 11/05/2023

TheLEADERSau khi mua lại toàn bộ cổ phần Bamboo Airways từ Tập đoàn FLC, các cổ đông mới đã đưa Bamboo Airways tách hoàn toàn khỏi FLC, đồng thời rót thêm vốn phát triển hãng bay này.

Bamboo Airways tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng
Những tàu bay mới của Bamboo Airways không còn logo của FLC Group

Sáng 9/5, Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 18.500 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo hãng bay cho biết, việc tăng vốn là hết sức quan trọng để thực hiện tái cấu trúc công ty, tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ bổ sung cho nhu cầu hoạt động và phát triển của công ty.

Khác với Vietnam Airlines và Vietjet Air đều là các công ty niêm yết, Bamboo Airways chưa niêm yết và thông tin tài chính không được công bố ra công chúng. Tình hình tài chính khó khăn của Bamboo Airways được tiết lộ phần nào qua văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, một cổ đông lớn của công ty, hiện cũng là thành viên HĐQT tại Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.

Theo đó, từ năm 2022 đến ngày 10/4/2023, tổng số tiền ông Sâm cho Bamboo Airways vay là hơn 7.727 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc và lãi) nhằm chi phí cho các hoạt động thường xuyên. Ông Sâm đã ký các hợp đồng cho vay tiền mặt với lãi thấp hoặc không lãi suất và không có tài sản đảm bảo. 

Đến nay, Bamboo Airways vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả số nợ gốc và lãi nói trên. Do đó, ông Sâm đề nghị và được cổ đông thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần. Sau khi kết thúc đợt phát hành, ông Sâm có thể trở thành cổ đông nắm giữ trên 50% cổ phần của Bamboo Airways.

Trước đợt tăng vốn này, hãng bay do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập đã có một hành trình tăng vốn thần tốc. Từ 700 tỷ khi thành lập năm 2017 đến 2.200 tỷ năm 2019 khi cất cánh và tăng mạnh lên 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021.

Dấu hỏi về 18.500 tỷ đồng vốn điều lệ của Bamboo Airways
Cơ cấu vốn điều lệ của Bamboo Airways trước khi tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng

Tuy vậy số vốn điều lệ khổng lồ không đủ cho nhu cầu "chi tiêu" của Bamboo Airways, đặc biệt trong 2 năm 2021 và 2022.

Báo cáo tài chính năm 2020 của Bamboo Airways cho thấy, hãng bay này vẫn có lãi lũy kế hơn 550 tỷ đồng bên cạnh nguồn vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng. Nhưng 2 năm sau đó, cũng là 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, nguồn vốn này và cả phần tăng thêm (11.500 tỷ đồng) không đủ bù đắp cho nhu cầu của Bamboo Airways. Kết quả là hãng phải vay thêm cá nhân ông Sâm gần 8.000 tỷ đồng để đảm bảo chi phí hoạt động.

Chưa kể các khoản vay khác (nếu có) không được công bố, ước tính trong hơn 2 năm qua, Bamboo Airways đã tiêu tốn hết 25.500 tỷ đồng để duy trì đội bay 30 tàu, bao gồm 3 chiến B787-9, 5 chiếc Embraer E190 và số còn lại là Airbus A320, A321.

Trong đợt tăng vốn này, ngoài chuyển đổi các khoản nợ thành cổ phần, Bamboo Airways sẽ phát hành thêm 378 triệu cổ phần, tương ứng 3.780 tỷ đồng, để lấy nguồn tiền kinh doanh cho Bamboo Airways.

Thông tin về kết quả kinh doanh của Bamboo Airways, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong quý I, nếu không tính các chi phí về mặt tài chính, lãi vay và các chi phí chậm trả nhà cung cấp thì Bamboo Airways đang gần với điểm hoà vốn.

Trong tháng 4, tháng 5 dự kiến công ty sẽ tiếp tục lỗ vì là giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không trước khi vào mùa cao điểm hè. Dự kiến cả năm 2023, Bamboo Airways vẫn ghi nhận lỗ và ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ hoà vốn vào năm 2024.