Doanh nghiệp
Bản lĩnh của Ørsted trong sân chơi năng lượng
Để được định vị là một thương hiệu hàng đầu về phát triển điện gió ngoài khơi, năng lượng xanh trên thế giới như hiện tại, là câu chuyện vượt khó của Ørsted, cũng như quản trị thách thức liên quan tới rào cản về cơ chế, thủ tục tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".
TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia của Ørsted tại Việt Nam để hiểu rõ hơn về bối cảnh hiện tại của thị trường điện gió ngoài khơi (ĐGNK) cũng như tâm thế tiên phong của tập đoàn này.
Ông hãy đánh giá tổng quan nhất về phát triển thị điện gió ngoài khơi ở Việt Nam?
Ông Sebastian Hald Buhl: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển ĐGNK nhờ lợi thế bờ biển dài 3.000km, tốc độ gió lớn, độ sâu hoàn hảo để xây dựng lắp đặt các cấu phần, thiết bị của một trang trại điện gió trên biển. Đặc biệt, đường cong nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam luôn tăng theo độ dốc thẳng đứng trong nhiều năm. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích thu hút nhà đầu tư năng lượng tái tạo từ vài năm nay.
Tuy nhiên, so với các dự án điện gió trên bờ, những dự án ĐGNK hiện tại thường có quy mô lớn hơn rất nhiều (từ 1GW trở lên, đòi hỏi nguồn vốn hàng tỷ USD). Điều còn thiếu thời điểm này đối với thị trường ĐGNK là khung chính sách mà những nhà đầu tư như chúng tôi rất mong đợi. Cụ thể như vấn đề giao quyền khảo sát biển, lựa chọn nhà đầu tư hay cơ chế về giá… Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất như nêu trên nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn để rót hàng tỷ USD vào các dự án.
Tiềm năng của thị trường đã rất rõ nhưng quan trọng hơn là chính sách, hướng dẫn từ Nhà nước để khuyến khích và thúc đẩy các nhà đầu tư.
Được định vị là một tập đoàn nghiên cứu, phát triển ĐGNK hàng đầu trên thế giới, Ørsted đã từng gặp những vướng mắc về chính sách tương tự ở các quốc gia, thị trường khác có cùng tiềm năng, cơ hội phát triển như Việt Nam?
Ông Sebastian Hald Buhl: Thực ra, với ĐGNK thì các thị trường mới bắt đầu phát triển luôn gặp những khó khăn tương tự như Việt Nam. Bởi, ĐGNK rất khác so với các nguồn điện truyền thống trên đất liền về cơ cấu, cách phát triển, xây dựng và vận hành, duy trì bảo dưỡng. Điều này đã xảy ra với tất cả thị trường như Anh, Đài Loan hay Nhật Bản từng vốn chỉ quen với cơ sở hạ tầng điện trên đất liền.
Khi dịch chuyển phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị ra ngoài mặt biển thì chắc chắn phát sinh các vấn đề mới (chưa từng gặp) như: sẽ có thêm các bộ, ban ngành mới đóng vai trò quản lý và cần đồng loạt tham gia vào quá trình/thủ tục thẩm định, cấp phép, quy hoạch…
Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số khác biệt so với các thị trường còn lại. Đơn cử như thời gian để hình thành, hoàn thiện khung chính sách phát triển dành cho ĐGNK. Ở Mỹ hay Đài Loan, nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp tập trung nghiên cứu trong khoảng 6-12 tháng để tìm ra các chính sách, giải pháp tối ưu nhất. Còn ở Việt Nam, từ năm 2020 (khi Ørsted có mặt) tới nay vẫn chưa có quy định, khung pháp lý được ban hành chính thức để hướng dẫn và mang tính thúc đẩy đủ lớn dành cho thị trường ĐGNK cũng như nhà đầu tư thực hiện.
Việc xây dựng/hình thành chính sách, quy định rõ ràng cho phát triển ĐGNK tại Việt Nam còn chậm so với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác (như Ørsted vừa nêu) có ảnh hưởng gì tới tâm lý và kế hoạch của nhà đầu tư, đặt trong các mục tiêu mà Chính phủ đã xác định trong COP 26 vừa qua?
Ông Sebastian Hald Buhl: Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc phát triển ĐGNK của Việt Nam và ĐGNK là xu hướng tất yếu trong tương lai. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là thị trường sẽ phát triển khi nào, chứ không phải liệu nó có xảy ra hay không.
Hiện tại, việc chậm ban hành khung chính sách sẽ ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các dự án, mục tiêu về ĐGNK vào năm 2030 như đã đề ra trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII (7GW trước năm 2030).
Cụ thể, để phát triển một trang trại ĐGNK đòi hỏi thời gian từ 6-8 năm. Khoảng thời gian 2 năm đầu tiên là dành cho các nhà đầu tư nghiên cứu về vị trí, điều kiện kỹ thuật của khu vực ngoài khơi xa bờ (liên quan tới các thiết bị hàng hải, thời tiết, mặt biển). Chúng tôi có một khái niệm là “cửa sổ thời tiết”, được hiểu là chỉ có khoảng hơn 6 tháng (trong 1 năm) để nghiên cứu khi thời tiết thuận lợi.
Khi chờ đợi Nghị định 11 về giao biển để tiến hành khảo sát ngoài khơi, thì chúng tôi nhận thấy có rủi ro về tiến độ ở đây. Trong trường hợp Nghị định 11 về giao biển được ban hành giữa năm 2023, thời gian này lại rơi vào “cửa sổ thời tiết”, khi đó, dù nhà đầu tư đã có đầy đủ giấy phép thì công việc khảo sát sẽ chỉ được tiến hành vào đầu năm 2024. Cộng với việc phải mất 6-8 năm triển khai, hoàn thiện dự án, chúng ta sẽ rất khó đạt được mục tiêu về phát triển ĐGNK trước năm 2030. Đây là điều lo lắng nhất của Ørsted ở thời điểm hiện tại.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường kiến nghị tạm thời ngừng giao biển để khảo sát phục vụ đầu tư, xây dựng ĐGNK. Ở diễn biến khác, Dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu mục tiêu phát triển 7GW ĐGNK trước năm 2030, và từ năm 2030 tới 2050 công suất này sẽ gia tăng mạnh. Tuy nhiên, giá ĐGNK cũng sẽ giảm sâu từ năm 2030 đến năm 2050. Những yếu tố này, sẽ tác động ra sao tới kế hoạch và quyết tâm của Ørsted? Liệu Ørsted sẽ “dừng chân” ở mốc 2030?
Ông Sebastian Hald Buhl: Chúng tôi luôn xác định chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam, thay vì chỉ đầu tư vào một vài dự án và sau đó chuyển nhượng để hướng tới lợi nhuận. Ở các dự án ĐGNK, Ørsted sẽ giữ lại cổ phần của mình và ở lại đảm bảo vận hành, phát triển dự án trong suốt vòng đời (khoảng 30 năm). Do đó, tầm nhìn của Ørsted sẽ không dừng ở mốc 2030 mà còn rất xa trong thời gian tới, nhất là khi chúng tôi nhận ra và đánh giá rất cao quyết tâm và nỗ lực phát triển một cách bền vững của Chính phủ cũng như Bộ Công thương ở lĩnh vực này.
Cũng cần nhắc lại, vấn đề cơ chế chính sách (chậm, chưa hoàn thành) cũng như đề xuất mới đây của Bộ Tài nguyên và môi trường về chưa giao biển để nghiên cứu ĐGNK là điều khiến Tập đoàn Ørsted lo lắng về thời điểm nào được giao dự án.
Giá ĐGNK sẽ giảm nhanh sau năm 2030 là hoàn toàn dễ hiểu, chắn chắn giá điện từ ĐGNK sẽ phải giảm xuống. Ở các thị trường mới phát triển ĐGNK, giá điện ở những dự án đầu tiên luôn cao hơn bởi phải đối diện với rất nhiều rủi ro về kỹ thuật và thị trường (nhà đầu tư chưa biết, chưa đánh giá được toàn diện). Khi những dự án ban đầu đã được phát triển cũng như thị trường nội địa đã rõ ràng, chuỗi cung ứng nội địa hình thành thì các dự án thời gian sau sẽ cho ra mức giá điện giảm dần.
Nhưng, điểm quan trọng cần xác định là giá của các dự án ĐGNK tiên phong (phát triển đầu tiên tại thị trường Việt Nam) ở ngưỡng nào? Theo chúng tôi, giá ĐGNK lúc này không thể thấp ở ngưỡng tại các thị trường đã hình thành và phát triển chín muồi. Tại thị trường Việt Nam hiện tại, những nhà đầu tư như Ørsted sẽ chưa am tường đầy đủ về các rủi ro của thị trường – những rủi ro này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá dự án. Điển hình, chúng tôi chưa biết về khung giá mua điện, cách thức lựa chọn nhà đầu tư, vị trí/quy mô dự án được giao.
Hơn một năm nay, Ørsted cùng T&T Group đã song hành và đang góp phần tích cực vào việc hình thành, xây dựng chuỗi cung ứng phục vụ ĐGNK tại Việt Nam. Định hướng và tầm nhìn của Ørsted trong hoạt động này ra sao?
Ông Sebastian Hald Buhl: Trước khi bước chân vào Việt Nam, Ørsted đã phát triển khá mạnh tại các thị trường lân cận trong khu vực. Ở Đài Loan, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung ứng tại Việt Nam để phục vụ cho các dự án tại đây. Điển hình, Ørsted đã sử dụng các tàu trọng tải lớn được đóng tại Vũng Tàu. Nói cách khác, kể cả trước khi Ørsted vào thị trường Việt Nam, các nhà cung ứng trong nước đã làm việc với chúng tôi trong các dự án khác tại các thị trường khác. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam rất có thế mạnh để phát triển chuỗi cung ứng cho ĐGNK.
Khoảng 2 năm nay, chúng tôi vẫn luôn tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, phát huy các mối quan hệ với những nhà cung ứng nội địa. Thời gian qua, Ørsted đã ký 4 biên bản ghi nhớ hợp tác rất lớn với các nhà cung ứng Việt Nam (mới nhất là biên bản ghi nhớ ký với Trung tâm đổi mới và sáng tạo quốc gia – NIC thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư về nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ ĐGNK). Ngoài ra, Ørsted cũng tổ chức 2 hội thảo chuyên đề cho các nhà cung ứng tại Việt Nam để hướng dẫn chi tiết về phát triển chuỗi cung ứng cho ĐGNK Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ nâng cao thành công tỷ lệ nội địa hóa cho nền công nghiệp ĐGNK. Mục tiêu của Ørsted không chỉ dừng ở mức thúc đẩy các nhà cung ứng nội địa phục vụ thị trường trong nước, mà còn vươn tới thị trường ĐGNK ngoài Việt Nam như Đài Loan hay Nhật Bản.
Một số nhà cung ứng nội địa cho ĐGNK tại Việt Nam (mà Ørsted ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác) có thể nhắc tới như: PTSC (PVN), CS Wind, Doosan Việt Nam…
Ông hãy đánh giá về tính cạnh tranh của thị trường điện Việt Nam (ở 3 khâu sản xuất, truyền tải và phân phối) mà Chính phủ đã quyết tâm xây dựng với lộ trình từ những năm 2010 tới nay?
Ông Sebastian Hald Buhl: Tôi đến từ Đan Mạch, nơi đây đã tự do hóa thị trường điện và các nhà sản xuất điện thực hiện chào giá theo tính toán của họ; các mức giá sẽ được sắp xếp từ thấp tới cao.
Ở Việt Nam, giá điện hiện được quy định bởi Nhà nước. Chúng tôi nhận thấy quyết tâm và định hướng, lộ trình của Chính phủ về phát triển thị trường điện cạnh tranh là rất tích cực và mang tính khích lệ các nhà đầu tư, cũng như đóng góp cho phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thị trường điện Việt Nam vẫn chưa mang tính cạnh tranh 100%.
Với bề dày phát triển hơn 30 năm, Tập đoàn Ørsted và cá nhân ông đã có kinh nghiệm khi đối diện với các khó khăn về chính sách. Ông có thể chia sẻ về trường hợp được coi là gian nan và đòi hỏi nhiều thời gian nhất để Ørsted chinh phục thành công?
Ông Sebastian Hald Buhl: Mỗi thị trường đều có cơ hội và khó khăn/thách thức riêng, mang tính chất đặc thù của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ví dụ, tại Mỹ có cơ chế, chính sách dành cho ĐGNK và năng lượng xanh khá tương đồng với thị trường châu Âu (nên gần gũi và thuận lợi hơn với chúng tôi). Tuy nhiên, cơ cấu hệ thống pháp lý, quy định của Mỹ lại rất phức tạp bởi mỗi bang, quận, liên bang có Luật, điều lệ riêng. Ở Mỹ, để phát triển dự án, chúng tôi phải xin 20 giấy phép cấp quận, 30 giấy phép ở bang, 20 giấy phép ở liên bang…
Còn ở Việt Nam, thị trường lại có những thách thức riêng. Hiện tại, đó là làm thế nào để có khung chính sách kịp thời hỗ trợ, khuyến khích rõ ràng cho nhà đầu tư bước vào phát triển thị trường ĐGNK.
Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư khác có cùng tham vọng, quyết tâm tìm tới đóng góp cho phát triển ĐGNK tại Việt Nam? Nhất là về cân bằng chi phí cơ hội, thời gian chờ đợi hoàn thiện khung pháp lý với bài toán đầu tư dài hạn.
Ông Sebastian Hald Buhl: ĐGNK là tương lai của ngành điện cũng như hệ thống điện. Việc ở lại và tham gia vào lĩnh vực này là cơ hội và cần được xác định là cơ hội cũng như động lực cho các doanh nghiệp giàu tham vọng. Nhiều thương hiệu ở Việt Nam cũng nhận ra điểm này như: PTSC (chuyên về dầu khí nhưng tận dụng lợi thế của họ để chuyển sang ĐGNK). Lời khuyên đưa ra là, nên nhìn vào tương lai phát triển của ĐGNK tại Việt Nam, đồng thời nhận thức được rõ thế mạnh của mình để tham gia vào thị trường này. Đương nhiên, khi xác định tham gia, nhà đầu tư cần chuẩn bị một cách chuyên nghiệp.
Đơn cử, khoảng hơn 10 năm trước, Ørsted vẫn còn là một công ty năng lượng chuyên làm về dầu khí. Tuy nhiên, nhận ra cơ hội trong ngành ĐGNK, hiểu được thế mạnh của mình, Ørsted đã quyết định sẽ phải tiên phong trong lĩnh vực này và từ đó chuyển mình mạnh mẽ trở thành công ty năng lượng bền vững, hàng đầu thế giới về chuyển dịch sang năng lượng xanh.
Đến nay, chúng tôi đã cơ bản thành công với chiến lược “nhìn trước cơ hội – xác định thế mạnh nội tại – chuẩn bị chuyên nghiệp có tầm nhìn” ở mảng ĐGNK.
Xin cảm ơnông!
Liên danh T&T Group và Orsted hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Liên danh T&T Group và Orsted hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác giữa Liên danh T&T Group - Orsted và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi; đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng Việt Nam để phục vụ cho ngành điện gió ngoài khơi trong và ngoài nước.
Tập đoàn Orsted muốn làm điện gió ngoài khơi hơn 12 tỷ USD tại Hải Phòng
Tập đoàn Orsted đang đề xuất nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng công suất 3.900MW, với tổng mức đầu tư từ 11,9 - 13,6 tỷ USD.
Cuộc chiến ngoài khơi giữa Orsted, Xuân Thiện và HLP
Câu chuyện này đang diễn ra ở tỉnh Bình Thuận khi 3 dự án điện gió ngoài khơi trị giá hơn 32 tỷ USD chồng lấn một phần diện tích lên tới hơn 40.000ha.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực