Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nói gì về Việt Nam?

Phương Anh - 11:31, 14/06/2022

TheLEADERTheo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam không còn đáp ứng cùng lúc cả ba đánh giá về thao túng tiền tệ liên quan đến thặng dư thương mại song phương Việt Nam – Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai, và can thiệp trên thị trường ngoại tệ.

Trong báo cáo mới nhất của Mỹ về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của nước này, Bộ Tài chính Mỹ kết luận không có đối tác lớn nào thao túng tiền tệ trong năm 2021, bao gồm cả Việt Nam.

Cùng với 11 nền kinh tế khác, Việt Nam được đưa trở lại danh sách giám sát khi không còn đáp ứng cùng lúc cả ba tiêu chí đánh giá. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng mặc dù phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn hơn nhiều vào năm 2021, Việt Nam đã đưa ra những hỗ trợ tài chính liên quan tương đối ít hơn so với năm trước đó.

Các biện pháp tài khóa liên quan đến Covid-19 ước tính khoảng 4,5% GDP vào năm 2020, trong khi con số này chỉ ở mức khoảng 1,8% GDP vào năm 2021 - thấp hơn ngưỡng 2,5% được công bố trước đó do những thách thức trong quá trình thực hiện.

Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam ước tính ở mức 44%, tăng mẹ so với mức 43% của thời điểm cuối năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trần 65% mà Quốc hội đề ra.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước duy trì các biện pháp tiền tệ phù hợp vào năm 2021 khi giữ mức lãi suất ở ngưỡng 4%, và thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch.

Đại dịch đã tác động lớn đến cán cân thanh toán của Việt Nam vào năm 2021, khi Việt Nam ghi nhận thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 1,1% GDP, trái ngược với mức thặng dư 3,6% GDP của năm 2020, chủ yếu bởi cán cân thương mại hàng hóa xấu đi.

Kết quả này đến từ việc xuất khẩu chậm lại bởi các biện pháp phong tỏa, trong khi nhập khẩu mở rộng - phần lớn do giá nhập khẩu gia tăng và chi phí vận chuyển cao hơn.

Lượng kiều hối phục hồi trong năm 2021, và đóng góp khoảng 18 tỷ USD vào tài khoản vãng lai của Việt Nam.

"Vị thế đối ngoại của Việt Nam năm ngoái đã mạnh hơn nhờ các nền tảng kinh tế cơ bản và các chính sách phù hợp, cần thiết", Bộ Tài chính Mỹ đánh giá. 

Thặng dư thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, đạt mức gần 91 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn đáng kể con số 70 tỷ USD của năm trước đó, trở thành thị trường có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Mỹ.

Liên quan đến can thiệp thị trường ngoại hối, Bộ Tài chính Mỹ ước tính lượng mua ròng ngoại hối của Việt Nam năm 2021 đạt 10 tỷ USD, tương đương khoảng 2,8% GDP. Các giao dịch tập trung phần lớn trong 2 tháng đầu năm và giảm đáng kể vào nửa cuối năm khi hai nước đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021.

Mặc dù vượt quá mức đánh giá tiêu chuẩn 2% của Mỹ, lượng mua ròng diễn ra ít hơn 8 tháng trong một năm. Cùng với những bước tiến của Việt Nam trong giải quyết các quan ngại từ phía Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ đã không đánh giá Việt Nam vi phạm tiêu chí về can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Trong thông báo phát đi sau báo cáo trên của Bộ Tài chính Mỹ, NHNN cho biết tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài Chính Mỹ với Việt Nam ngày 05/4/2022, phía Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, xây dựng quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Một báo cáo nhanh của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, sau 3 kỳ báo cáo liên tiếp Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí, trong kỳ báo cáo lần này (giai đoạn 4 quý liên tiếp tới hết tháng 12/2021), Việt Nam chỉ còn vi phạm 1 tiêu chí (thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 90 tỷ USD, cao hơn ngưỡng giới hạn 15 tỷ USD. 

Do đó, Việt Nam chính thức không còn chịu các đánh giá nâng cao (enhanced analysis) mà thay vào đó chuyển sang đánh giá chuyên sâu (in-depth analysis) và quay trở lại danh sách giám sách (monitoring list) cùng 11 nền kinh tế khác. 

BVSC đánh giá đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi không còn chịu những đánh giá nâng cao từ phía Bộ Tài chính Mỹ. 

Tuy nhiên, đối với việc Việt Nam vẫn ở trong danh sách giám sát, NHNN vẫn sẽ cần thực hiện những biện pháp kiểm soát đối với tỷ giá để đồng VND không bị mất giá hay biến động quá mạnh so với đồng USD

Theo Bộ Tài chính Mỹ, thao túng tiền tệ được định nghĩa là khi một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá nhằm tác động lên cán cân thanh toán, hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế.

Ba tiêu chí tiêu chuẩn được theo dõi, đánh giá cùng lúc bao gồm thặng dư thương mại song phương với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP, và khối lượng mua ròng ngoại tệ hơn 2% trong vòng 12 tháng.