Bất động sản 2023 sẽ tươi sáng hơn?

An Chi - 11:46, 16/01/2023

TheLEADERNhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản 2023 sẽ phát triển một cách thận trọng, phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng nhìn chung sẽ khởi sắc, tươi sáng hơn so với năm 2022.

Bất động sản 2023 sẽ tươi sáng hơn?
Thị trường bất động sản 2023 sẽ đỡ khó khăn và dần phục hồi trở lại

Tín hiệu tích cực từ vĩ mô

Mặc dù còn nhiều khó khăn hiện tại do các yếu tố về pháp lý và nguồn vốn, song TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vẫn tin tưởng, thị trường bất động sản 2023 sẽ đỡ khó khăn và dần phục hồi nhờ 5 yếu tố tác động tích cực lên thị trường.

Thứ nhất là dân cư, với dân số 100 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cao, đô thị hóa được đẩy lạnh, đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong dài hạn.

Thứ hai là tín dụng, thời gian vừa qua, những khó khăn về nguồn vốn tín dụng của thị trường đã được điều chỉnh và chỉ đạo rất sát sao từ Thủ tướng Chính phủ. Những khó khăn, vướng mắc về tín dụng sẽ được xử lý một cách hài hòa với các lợi ích của nền kinh tế và của quốc gia, từ đó, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hồi phục.

Yếu tố thứ ba là chính sách của Nhà nước. Hiện các chính sách, các luật liên quan đến thị trường bất động sản đang được Chính phủ quan tâm, sửa đổi. Sau khi hoàn thiện, các chính sách này sẽ tác động rất lớn đến thị trường. 

Yếu tố quan trọng thứ tư là lòng tin của khách hàng, nhà đầu tư. Ông Dũng cho rằng, chắc chắn với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và những giải pháp đề ra, niềm tin thị trường sẽ được gây dựng, phục hồi trở lại. Cuối cùng là tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Kinh tế Việt Nam 2023 vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, GDP nhiều khả năng đạt trên 6%. Đây sẽ là nền tảng để vực dậy thị trường bất động sản.

Với cả 5 yếu tố tác động tích cực, thị trường bất động sản 2023 sẽ phát triển một cách thận trọng, nhưng nhìn chung sẽ khởi sắc, tươi sáng hơn so với năm 2022, ông Dũng nhấn mạnh. 

Không phủ nhận những khó khăn thực tại của thị trường, tại tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp hai cơn gió ngược. Cơn gió ngược thứ nhất là bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới khiến tổng cầu giảm gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước. Cơn gió ngược thứ hai là các điều kiện tài chính, tiền tệ ngặt nghèo. 

Nhấn mạnh rằng, thị trường bất động sản có phục hồi hay không phụ thuộc rất lớn bối cảnh kinh tế chung, tuy nhiên theo ông Thành, những tín hiệu tích cực đối với thị trường thời gian gần đây là điều có thể nhận thấy rõ.

Theo đó, sự ngặt nghèo về tài chính, tiền tệ đang có xu hướng giảm dần do lạm phát thế giới hiện đã qua đỉnh, mức tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới về cường độ, tần suất sẽ không mạnh như năm 2022. Do đó, áp lực đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ giảm nhẹ hơn nhiều. 

Mặt khác, trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát cao hơn mức của năm 2022. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, phối hợp chính sách tài khóa nhằm gỡ khó về nguồn vốn tín dụng cho thị trường, ông Thành chia sẻ.

Ba giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục

Nhằm giúp thị trường bất động sản sớm hồi phục trong năm 2023, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thứ nhất, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng. Cùng với đó là thực hiện tốt hơn chương trình phục hồi phát triển kinh tế, trong đó có gói hạ tầng 113 nghìn tỷ đồng. 

Đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp tăng trưởng kinh tế chung của năm 2023 có thể giảm bớt khó khăn và giúp thị trường bất động sản phục hồi.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm tháo gỡ khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính; tài chính tiền tệ, trái phiếu, tín dụng cho thị trường bất động sản. Hiện nay, room tín dụng mới của thị trường khó có thể tăng mạnh, tăng cao, tình hình hiện tại đã khác nhiều so với năm 2022 nhưng sẽ được điều hành uyển chuyển, linh hoạt hơn.

Ngoài ra, Chính phủ có thể có những điều chỉnh về đánh giá rủi ro theo phân khúc bất động sản để có giải pháp phù hợp. Đặt biệt là nên có các gói hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Nhóm giải pháp thứ ba là tái cấu trúc, trong đó có phần vĩ mô về mặt chính sách. Tức là lành mạnh hóa các phân khúc thị trường: khu vực cao cấp, đầu cơ, đầu tư và bất động sản gắn với nhu cầu thực (nhà ở giá phải chăng, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...). Theo đó, các giải pháp cải tổ chính sách sẽ dựa theo từng phân khúc này nhằm định hướng thị trường, tái cấu trúc các doanh nghiệp, đặc biệt là nhiều tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn.

Với vĩ mô còn nhiều khó khăn và cũng có ít nhiều điểm tích cực, ông Thành cho rằng, nhiều khả năng, thị trường sẽ thuận hơn vào nửa cuối năm 2023. Trong khó khăn, thị trường bất động sản vẫn hy vọng vào một năm tiếp tục phục hồi và giữ được sự phát triển ổn định.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối năm 2023, các luật cơ bản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được thông qua và có tính đồng bộ hơn, thống nhất hơn, tháo gỡ khó khăn lớn nhất về pháp lý. Nhờ đó, thị trường sẽ được tháo gỡ khó khăn từng bước và dần tiến tới được hoàn thiện, ổn định.

Trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ nên lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, các dự án hiệu quả, có khả năng thúc đẩy bán hàng và có thanh khoản, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường để ưu tiên phát triển. Không có chính sách ưu tiên đúng đắn với các dự án phù hợp như vậy mà dàn trải thì việc tái khởi động trở lại thị trường sẽ khó hơn nhiều.