BigC, Vinmart, Bách Hóa Xanh bứt phá trong đại dịch

Việt Hưng - 13:48, 16/06/2020

TheLEADERCác mô hình bán lẻ mới bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Theo số liệu từ Kantar WorldPanel, dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu tháng 2 (sau Tết Nguyên Đán) tới tháng 4 - khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện, đã thay đổi cũng như gây ảnh hưởng lớn lên hành vi tiêu dùng, cách chọn kênh mua sắm của người Việt Nam.

Hưởng lợi nhiều nhất chính là ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), cụ thể, chi tiêu cho FMCG tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực các thành phố lớn, nơi ghi nhận hai phần ba số ca nhiễm.

Dù vậy, báo cáo của Kantar WorldPanel dự báo, thị trường sẽ sớm quay trở lại mức tăng một con số sau khi mùa dịch đi qua.

Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng Việt Nam đổ xô đi mua sắm, dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm trong thời gian dịch bùng phát. Điều này dẫn dến sự tăng trưởng bất thường của FMCG sau mùa cao điểm Tết.

Trong khi người tiêu dùng thành thị chi tiêu mạnh tay hơn, với nhiều sản phẩm trong "giỏ hàng", thì người tiêu dùng khu vực nông thôn đi mua sắm với tần suất cao hơn. 

Báo cáo của Kantar WorldPanel cho thấy, giỏ hàng "mùa dịch" được người dân nạp đầy với 03 nhóm hàng hóa chính gồm: các loại thực phẩm cần thiết/tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe, phản ánh mức độ ưu tiên của người tiêu dùng cho các nhu cầu cơ bản trong thời gian cách ly.

BigC, Vinmart, Bách Hóa Xanh bứt phá trong đại dịch
BigC, Vinmart, Bách Hóa Xanh bứt phá trong đại dịch

Trong đó, các mô hình bán lẻ mới nổi bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng FMCG, đặc biệt dưới tác động của lệnh giãn cách xã hội với gần 50% đóng góp vào giá trị tăng thêm.

Từ đây, sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã đem lại tăng trưởng vượt bậc cho nhiều nhà bán lẻ trong mùa dịch, và có thể tạo bàn đạp để duy trì và tiếp tục phát triển trong dài hạn.

Cụ thể, trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong mảng Siêu thị và Đại siêu thị, chuỗi BigC ghi nhận số lượng giao dịch tăng trưởng tới 67%, Vinmart là 30% và hệ thống Coop là 16%.

Ở mảng các siêu thị mini, Vinmart+ chứng minh sự vượt trội về độ phủ khi ghi nhận số lượng giao dịch tăng trưởng tới 86%, Bách Hóa Xanh tăng trưởng tới 70%, còn Satra Food là 10%.

Ở mảng các kênh bán hàng trực tuyến, Facebook dẫn đầu với tăng trưởng giao dịch lên tới 126%, theo sau là Shopee tăng trưởng 102%, Tiki là 69%.