Bình Dương ‘mở rộng đường’ cho hàng hoá

Hứa Phương - 08:00, 16/07/2023

TheLEADERĐầu tư xây thêm cảng sông, xây dựng đường sắt, mở tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt là cách Bình Dương đang thực hiện nhằm đa dạng hoá phương thức vận chuyển hàng hoá đến các cảng và ngược lại.

Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp khu vực Đông Nam Bộ khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Dù được coi là trung tâm sản xuất nhưng việc vận chuyển hành hoá từ Bình Dương đến các cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ.

Trong khi các tuyến đường bộ kết nối với cảng Cát Lái, Quốc lộ 51 nối với cảng Cái Mép - Thị Vải thường xuyên ùn tắc, làm tăng chi phí logicstics. Nhận thấy nhược điểm đó, mới đây Bình Dương đã xúc tiến việc xây dựng Cảng sông An Tây nhằm đẩy mạnh vận tải đường sông, xây dựng đường sắt kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải.

Chi gần 2.300 tỷ đồng xây Cảng sông An Tây

Nằm giáp tuyến sông Đồng Nai và Sài Gòn, Bình Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về vận tải thuỷ. Tuy nhiên, trước đây Bình Dương gặp khó trong việc khai thác đường thuỷ bởi độ tĩnh không của cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai và cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn đã làm giới hạn tải trọng của tàu container không quá 2.000 tấn. Tuy nhiên giới hạn này hiện nay đã được gỡ khi những cây cầu này được làm mới và độ tĩnh không nâng lên.

Bình Dương ‘mở rộng đường’ cho hàng hoá
Cảng tổng hợp Bình Dương nằm trên sông Đồng Nai (Ảnh: Gemadept)

Nhờ đó các cảng như: Cảng tổng hợp Bình Dương, Cảng Thạnh Phước, Cảng Bà Lụa và Cảng An Sơn thời gian qua đã tăng công xuất khai thác. Dù vậy, sản lượng hàng hoá được vận chuyển bằng đường thuỷ vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với đường bộ.

Nhằm đẩy mạnh phát triển vận tải thuỷ, giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, giảm chi phí logicstics nên Bình Dương vừa phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư dự án Cảng sông An Tây. Vị trí xây dựng Cảng sông An Tây nằm cạnh sông Sài Gòn thuộc xã An Tây, thị xã Bến Cát.

Diện tích dự án Cảng sông An Tây khoảng 100 ha, tổng mức đầu tư 2.279 tỷ đồng, công suất cảng đạt 7 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn. Dự kiến Cảng sông An Tây đi vào hoạt động năm 2027.

Ngoài việc nằm cạnh sông Sài Gòn, Cảng sông An Tây còn giáp với dự án đường Vành đai 4 TP.HCM mà tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện. Do đó, Cảng sông An Tây không chỉ vận chuyển hàng hoá các khu công nghiệp phía bắc tỉnh Bình Dương mà còn thu hút hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên.

Lợi thế của Cảng sông An Tây là kết nối đường sông thuận lợi với hai cảng lớn nhất phía Nam là Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải. Cảng sông An Tây được kỳ vọng tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín, giúp Bình Dương sử dụng khai thác hiệu quả phương thức vận tải thuỷ.

Xây đường sắt nối cảng Cái Mép - Thị Vải

Song song với việc phát triển vận tải thuỷ, mới đây tỉnh Bình Dương cũng đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp sở, ngành nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An.

Đây là tiền đề kết nối đường sắt từ TP Dĩ An đến Phước Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai), nơi có nút giao tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài 83 km. Điểm dừng cuối của tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu là cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đoạn đường sắt từ TP Dĩ An đến huyện Bàu Bàng dài gần 42 km, tổng chi phí dự kiến là 34.300 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu Bình Dương giải phóng mặt bằng với tổng vốn khoảng 9.500 tỷ đồng bằng ngân sách. Giai đoạn tiếp theo là xây hệ thống đường ray, nhà ga với kinh phí hơn 24.800 tỷ đồng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc PPP. Tổng chiều dài tuyến từ huyện Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải khoảng 125 km.

Đối với đoạn từ TP Dĩ An đến cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung phương án hướng tuyến từ ga Dĩ An đến nút giao Phước Tân vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Bình Dương kiến nghị phía Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án kết nối.

Theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, đến năm 2030 khu vực phía nam có 4 tuyến đường sắt gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Cần Thơ dài 174 km; TP.HCM - Lộc Ninh (Bình Phước) dài 128 km; Thủ Thiêm (TP.HCM) - Long Thành (Đồng Nai) dài hơn 37 km.

Mở tuyến liên vận quốc tế đường sắt đi Trung Quốc

Mới đây, Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội đã mở tuyến tàu container lạnh chở hàng nông sản, hải sản tươi sống từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc.

Dự kiến hành trình của tàu từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Đồng Đăng (Lạng Sơn) diễn ra trong 72 giờ. Sau khi tiến hành thi công nâng cấp xong tuyến đường sắt, thời gian chạy tàu sẽ được rút ngắn hơn.

Việc tổ chức chạy đoàn tàu container lạnh loại 40 feet liên vận quốc tế bằng đường sắt được nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương nói riêng và miền Nam nói chung kỳ vọng đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời đây cũng là tuyến đường vận chuyển hàng nông sản, thuỷ sản từ miền Nam ra miền Bắc.

Theo kế hoạch ban đầu, tháng 9/2023 mới tổ chức chuyến tàu chở hàng đầu tiên từ ga Sóng Thần đến ga Đồng Đăng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhu cầu của các doanh nghiệp nên chuyến tàu đã được thực hiện sớm hơn. Ga Sóng Thần nằm trên địa bàn TP Dĩ An sát Quốc lộ 1A, giáp ranh với TP.HCM.

Với lợi thế đã được cấp mã liên vận, ga Sóng Thần hướng đến trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm ở khu vực phía Nam. Năng lực tổng hợp vận chuyển liên vận quốc tế tại Ga Sóng Thần đạt 1,27 triệu tấn/năm, dự kiến đạt 2,5 triệu tấn năm vào năm 2025.

Với việc xây dựng thêm cảng, đường sắt, mở tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt, Bình Dương kỳ vọng sẽ đa dạng hình thức vận chuyển, giảm giá thành, phát triển ngành logistics.