Bộ Công thương điều tra chống bán phá giá đường mía nhập từ Thái Lan

Nhật Hạ - 12:27, 22/09/2020

TheLEADERNhập khẩu đường mía từ Thái Lan tăng đột biến tới 6 lần được cho là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước.

Bộ Công thương điều tra chống bán phá giá đường mía nhập từ Thái Lan
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới.

Bộ Công thương vừa khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan dựa trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất mía đường trong nước.

Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN từ đầu năm nay, theo cam kết trong Hiệp định ATIGA (Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN).

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt nam gia tăng đột biến, đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ. Trong đó, gần 85% là đường nhập từ Thái Lan, tăng gần 3 lần so với cả năm 2019.

Đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng, lượng nhập khẩu tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước. Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước.

Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cung cấp thông tin, bằng chứng cho thấy đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Bộ Công thương cho biết, thực hiện điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng đường mía theo quy định của pháp luật nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước với hàng hóa bị áp thuế trong 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời.

Vì vậy, cơ quan này khuyến cáo các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu, phân phối mía đường nhập từ Thái Lan trong diện bị điều tra có thể bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.

Trước đó, sau khi Việt Nam tham gia hiệp định ATIGA, mặt hàng đường thô được giảm thuế từ 80% xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5% kể từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), do tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay đã có 1/3 nhà máy đường đã phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp khác đứng trước nguy cơ phá sản.

Nguyên nhân là do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân cũng như chi trả tiền lương cho người lao động.

Nhằm tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới, ngày 14/7 vừa qua, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam.

Trong nhiều giải pháp cần sớm được triển khai trong thời gian tới để ‘cứu’ ngành mía đường trong nước, chỉ thị này nêu rõ, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp các cam kết quốc tế.

Theo Tổ chức mía đường thế giới (ISO), thị trường đường thế giới và tình hình sản lượng vụ 2019-2020 cho thấy mức tiêu thụ đường toàn cầu trong niên vụ không bị thiếu hụt nhiều như các năm do nhu cầu tiêu thụ đường của toàn thế giới đã bị chững lại bởi tác động của dịch Covid-19.

Trong khi đó, sản lượng sản xuất đường của Brazil tăng. Đây là nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.

Niên vụ mới 2020 – 2021 dự kiến thiếu hụt lượng đường chỉ còn ở mức hơn 700 nghìn tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo ban đầu. Đầu năm 2020, các chuyên gia của tổ chức này dự báo mức thiếu hụt đường sẽ lớn nhất trong 11 năm qua.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới. Về sản xuất, năng lực sản xuất trung bình hàng năm của Việt Nam từ 1 – 1,3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm.

Trong khu vực châu Á và ASEAN, Việt Nam đứng thứ sáu về lượng đường sản xuất trung bình hàng năm, sau các nước gồm Trung Quốc (10 triệu tấn), Thái Lan (8-9 triệu tấn), Australia (4 triệu tấn), Indonesia (2 triệu tấn) và Philippines (2 triệu tấn).