Bộ Công thương lý giải lý do tăng giá điện 8,36%

An Chi - 21:36, 20/03/2019

TheLEADERMức giá bán lẻ điện bình quân mới sẽ là 1.864,44 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, sau khi giá điện được tăng thêm 8,36%, từ ngày 20/3

Chiều 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), đã chủ trì cuộc họp báo về việc điều chỉnh giá điện năm 2019. 

Theo đó, giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3. Mức giá điện trung bình được điều chỉnh lên 1.864,44 đồng/kWh chưa bao gồm VAT so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.720,65 đồng/kwh.

Lý giải về cơ sở của đợt tăng giá điện lần này, ông Tuấn cho biết, giá điện được điều chỉnh tăng dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng 8,36%. Mức điều chỉnh này cũng đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ. 

Mức giá bán lẻ điện nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính Phủ quyết định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 và Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 do Bộ Công thương quyết định điều chỉnh.

Bộ Công thương lý giải lý do tăng giá điện 8,36%
Bộ Công thương họp báo tăng giá điện

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá tại Quyết định 28/2014. Do cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được điều chỉnh +/- 2% so với tỷ lệ được quy định, ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến yếu tố đầu vào giá điện, từ ngày 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện làm tăng chi phí phát điện thêm 3.000 tỷ đồng. Sắp tới, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, giá than sẽ điều chỉnh bước hai, chi phí phát điện dự kiến cũng tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. TKV mua thêm than ngoại dự kiến tăng thêm chi phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá điện còn chịu tác động từ việc tính toán phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn "treo" trước đây. Năm 2018, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, một số khoản chênh lệch tỷ giá tiếp tục treo và năm nay phải tính vào giá điện. 

Còn theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, tập đoàn này dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3. Toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN lẽ ra phải trả cách đây hai năm nhưng đã không thực hiện được.

Trong khi đó, tổng chi phí thanh toán mà EVN phải trả khoảng 21.000 tỷ đồng. Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thiếu hụt này, EVN không tính thêm vào giá điện vì như vậy sẽ làm giá điện sẽ tăng quá cao.

Về tác động tăng giá bán lẻ điện tới các hộ dùng điện, ông Tuấn cho biết, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia thành sáu bậc thang với giá cao nhất 2.927 đồng một kWh nếu sử dụng trên 400 kWh và thấp nhất 1.678 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Giá bán lẻ cho các hộ ngành sản xuất được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6 kV, 22 kV và 110 kV.

Tiền điện trả thêm mỗi tháng của khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50 kWh là 7.000 đồng. Dùng từ 50 đến 100 kWh sẽ phải trả thêm 14.000 đồng; dùng 200 kWh trả thêm 31.600 đồng; và 400 kWh trả thêm 77.200 đồng.

Với đối tượng khách hàng kinh doanh, mỗi hộ sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng mỗi tháng khi giá điện tăng. Còn với các hộ khách hàng sản xuất thì số tiền bình quân phải trả sẽ tăng thêm xấp xỉ 900.000 đồng một tháng.

Về tác động tới tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, với mức tăng giá điện 8,36%, CPI năm 2019 sẽ trong khoảng 3,3 - 3,9%. Với mức tăng này, ông Tuấn cho rằng, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 đã được Quốc hội thông qua là dưới 4%.