Bộ Giao thông Vận tải bác đề xuất lấy vốn từ BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
Anh Trọng - Sỹ Lực
Thứ tư, 11/10/2017 - 15:57
Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên phương án cải tạo, phân luồng nhằm xóa ùn tắc tại nút Pháp Vân - Hà Nội, nhà đầu tư dự án mở rộng đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa có đề xuất được lấy nguồn vốn từ dự án để triển khai. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ.
Đề xuất do ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ ký gửi các cơ quan liên quan, nêu rõ: Qua theo dõi quá trình khai thác trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhận thấy tình trạng ùn tắc tại vị trí đầu tuyến giao cắt với đường vành đai 3 ngày càng thường xuyên. Đến nay, đã có nhiều giải pháp tạm thời, dài hạn được đưa ra nhưng thiếu vốn nên chưa triển khai được.
“Do vậy, chúng tôi cho rằng, sớm đầu tư xây dựng đoạn đường Phan Trọng Tuệ (QL70) kéo dài đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Khi dự án này đi vào khai thác không những góp phần hoàn thiện giao thông theo quy hoạch mà còn giải quyết được căn bản tình trạng ùn tắc giao thông tại ngã ba Pháp Vân, nâng cao khai thác tuyến đường được hoàn thiện giai đoạn 2. Khi đó, toàn bộ luồng xe, đặc biệt là xe tải từ phía Tây và phía Tây Nam vành đai 3 sẽ tiếp cận đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và ngược lại tại vị trí giao cắt mới theo đường Phan Trọng Tuệ (QL70) mà không phải tập trung vào nút Pháp Vân như hiện nay”, lãnh đạo Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhấn mạnh.
Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất, căn cứ tình hình triển khai xây dựng dự án nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Công ty thấy rằng nguồn vốn thực hiện mở rộng, nâng cấp còn dư 1.500 tỷ đồng. Số vốn dư này cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vốn cải tạo, xây dựng đoạn tuyến trên. Do vậy, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất và cam kết thực hiện dự án trong vòng 15 tháng.
Không chấp thuận phương án đề xuất
Cho ý kiến về đề xuất phương án cải tạo, phân luồng giảm ùn tắc tại nút Pháp Vân, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, qua kiểm tra hiện trường và tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND thành phố thống nhất ý kiến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về 2 nhóm giải pháp (xây đường kết nối QL70 - Pháp Vân - Cầu Giẽ - Vành đai 3 để thực hiện phân luồng từ xa và cải tạo nút Pháp Vân - PV) nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực Pháp Vân.
Đối với hạng mục xây dựng tuyến đường có ký hiệu LK49 kết nối giữa đường Vành đai 3 dưới thấp và phố Tân Mai - Vành đai 2,5 (phương án 1A), lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội có ý kiến: Để đảm bảo phương án phân luồng từ xa, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ưu tiên sớm đầu tư dự án. “Quá trình thực hiện, thành phố Hà Nội sẽ đối ứng kinh phí và tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng dự án”.
Nêu quan điểm về các nội dung trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, để giải quyết triệt để và lâu dài ùn tắc tại nút Pháp Vân cần thực hiện cả 2 phương án đã nêu. Trường hợp xét ưu tiên thì đầu tư phương án 2A trước (xây dựng đường kết nối QL70– Pháp Vân-Cầu Giẽ -Vành đai 3), phương án 1A triển khai sau.
Về việc huy động vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thành phố Hà Nội bố trí vốn, kinh phí để thực hiện.
Liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp đường Pháp Vân-Cầu Giẽ còn dư vốn hơn 1.500 tỷ đồng, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng, dự án có tổng mức đầu tư trên 6.700 tỷ đồng và nhà đầu tư được phê duyệt thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 3 tháng. Tuy nhiên, nếu dự án “tiêu” không hết tiền thì phải trả lại cho nhà đầu tư để giảm thời gian thu phí xuống, không thể mang số tiền dư trên để làm công trình bên ngoài dự án, trong khi người tham gia giao thông trên cao tốc phải đóng phí kéo dài.
Cần rút ngắn tối đa thời gian thu phí
Ngày 10/10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp về phương án giảm phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tại cuộc họp, Tổng cục Đường bộ, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và nhà đầu tư đã trình bày các nội dung liên quan phương án giảm phí. Tuy nhiên, do các bên còn một số ý kiến chưa thống nhất. Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Vụ đối tác công tư của Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà đầu tư để làm cơ sở giảm phí.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị, các bên phải căn cứ theo các số liệu về lưu lượng xe, doanh thu thu phí thực tế để thống nhất phương án trình Bộ để triển khai giảm giá từ 15/10 tới”. Cứ 2 năm sẽ họp bàn để tính toán lại mức thu phí. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ Thủ đô nên tinh thần là giảm thời gian thu phí để giải toả ách tắc” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thống nhất với chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải giảm 25% mức phí tuyến đường này. Trong ngày mai, 22/9, Bộ Giao thông Vận tải sẽ họp chốt phương án; nếu thông qua sẽ thực hiện ngay từ 15/10.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.