Bộ trưởng Xây dựng: Bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn

An Chi - 10:02, 04/11/2022

TheLEADERBộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn do việc kiểm soát dòng vốn đầu tư, ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và hệ thống pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về xu thế phát triển thị trường bất động sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong ngắn hạn.

Trước đó, báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2022 của Bộ Xây dựng đã cho thấy, cả nguồn cung và giao dịch trên thị trường đều giảm mạnh. Số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai rất hạn chế.

Theo tổng hợp số liệu của các địa phương, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý III/2022 có 57 dự án với 18.885 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Số lượng dự án này chỉ bằng khoảng 71,3% so với quý trước.

Tại miền Bắc có 26 dự án với 10.925 căn; miền Trung có 10 dự án với 1.073 căn; miền Nam có 21 dự án với 6.887 căn. Riêng tại Hà Nội có bảy dự án với 6.158 căn; tại TP. Hồ Chí Minh có bốn dự án với 2.144 căn.

Về giao dịch bất động sản, lượng căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt 51.003 giao dịch thành công, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 73,8% so với quý II và bằng khoảng 439% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, tại miền Bắc có 9.627 giao dịch; miền Trung có 17.425 giao dịch; miền Nam có 23.951 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công; tại TP. Hồ Chí Minh có 2.144 giao dịch thành công.

Lượng giao dịch đất nền chỉ đạt 115.129 giao dịch, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý II/2022.

Trước thực trạng trầm lắng của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lý giải, những khó khăn hiện tại là còn một số hạn chế, tồn tại như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số vi phạm pháp luật khác vẫn nhiều bất cập cần phải sửa đổi. 

Chính điều này đã khiến việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, nguồn cung bất động sản sụt giảm, số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế. Nguồn cung trên thị trường chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản tiếp tục có sự bất hợp lý. Trong đó, thị trường thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. 

Một nguyên nhân khác là do việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang gây khó khăn cho thị trường. Chính sách tài chính tín dụng cho bất động sản bị hạ thấp hoặc thắt chặt, thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản… 

Mặt khác, thị trường bất động sản cũng chịu tác động của tình hình kinh tế vĩ mô nên có nhiều biến động.

Với bối cảnh hiện nay, nhận định về tình tình thị trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dự báo, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội và công nhân còn rất lớn.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, ông Nghị khẳng định, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề, sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện cho thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, ưu tiên cho vay dự án nhở xã hội nhờ công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán. 

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng từng bước giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững.