Căn hộ xanh có thực sự đắt đỏ?

Thu Phương - 08:56, 27/07/2019

TheLEADERTheo các chuyên gia, có những công trình rất đắt mà không xanh, và ngược lại, có những công trình xanh mà không đắt.

Căn hộ xanh có thực sự đắt đỏ?
Dự án nhà ở Ecohome Phúc Lợi của Capital House.

Công trình xanh vô cùng đắt đỏ và chỉ có những tòa nhà hạng sang mới có khả năng đạt chuẩn "xanh". Đó là suy nghĩ chung của hầu hết người mua nhà và giới đầu tư bất động sản hiện nay.

Không thể phủ nhận, khi phát triển một dự án theo tiêu chuẩn “xanh”, chi phí xây dựng công trình sẽ bị “đội” lên rất nhiều so với những dự án thông thường do phải đầu tư thêm các trang thiết bị đặc biệt tiết kiệm năng lượng như pin mặt trời, thiết bị tiết kiệm điện - nước, vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

Song, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng: "Hai yếu tố xanh và đắt đỏ trong một dự án xây dựng không đi liền với nhau. Có những công trình rất đắt mà không xanh và ngược lại, có những công trình xanh mà không đắt. Sự khác biệt trong mỗi dự án nằm ở cách tiếp cận và triển khai xây dựng của các chủ đầu tư."

Nhận thức sai lầm của chủ đầu tư về công trình xanh

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Phong lấy ví dụ, hiện nay rất nhiều toà nhà cao tầng ở các thành phố lớn của Việt Nam cũng như trên thế giới đang sử dụng vật liệu kính để ốp toàn bộ mặt ngoài của toà nhà. “Câu hỏi đặt ra là công trình sử dụng vật liệu kính như vậy có đắt không? Chắc chắn là rất đắt đỏ, nhưng lại không tiết kiệm năng lượng, đi ngược lại với tiêu chuẩn của một công trình xanh”.

Chủ dự án sử dụng kính ốp mặt ngoài thường cho rằng làm như vậy để tiết kiệm điện, giảm lượng đèn chiếu sáng trong phòng. Tuy nhiên, tường kính làm cho không gian trong nhà rất chói, người sử dụng vừa phải đầu tư hệ thống rèm cản ảnh sáng mặt trời, vừa tốn tiền điện chiếu sáng trong phòng.

Hơn nữa, các dự án sử dụng kính cũng khiến toà nhà hấp thu rất nhiều nhiệt do bức xạ. Người dân phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để làm mát so với các dự án thông thường. Trên thực tế, tỷ lệ kính sử dụng cho mặt ngoài một công trình càng lớn, chi phí xây dựng càng cao, năng lượng tiêu thụ càng nhiều.

Ông Phong lấy một ví dụ khác về những toà nhà chọc trời được ốp kính, tạo sự xa hoa tráng lệ ở Dubai và các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, xu hướng xây dựng ở đây đã thay đổi lớn. Thay vì ốp kính, các công trình xây dựng đã sử dụng các biện pháp chắn nóng như xây dựng ít của sổ, hạn chế vật liệu kính, tận dụng bóng của công trình này để che chắn nắng cho công trình khác.

Theo ông Phong, định nghĩa công trình xanh theo chứng nhận EDGE là công trình hiệu quả về năng lượng điện, nước và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Các giải pháp thiết kế cho công trình xanh có thể áp dụng như sử dụng các màu sơn trắng nhằm hạn chế hấp thụ nhiệt, tỷ lệ kính thấp, tận dụng chắn nắng ngoài, sử dụng đèn led tiết kiệm điện, nhà vệ sinh hai chế độ xả, sử dụng gạch không nung. Những giải pháp này không hề tăng quá nhiều chi phí xây dựng công trình.

Theo ông Phong, nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí, hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%.

Xanh không đồng nghĩa với đắt đỏ, tuy nhiên, những chi phí được cộng thêm khi phát triển các dự án này là điều không thể phủ nhận. Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Capital House cho rằng, khi tiếp cận công trình xanh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về chi phí nghiên cứu, đầu tư xây dựng.

Theo ông Bách, mỗi giải pháp xanh cho công trình như tránh nóng, tiết kiệm nước đều rất phức tạp, đòi hỏi chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ lưỡng và bỏ ra nhiều chi phí hơn. Chi phí đầu tư một dự án công trình xanh phụ trội từ 1-1,5% so với các dự án thông thường. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhà ở giá rẻ hiện không tạo điều kiện cho việc triển khai các chi tiết xanh do các dự án này quá tập trung vào chi phí phát triển ban đầu.

Một khó khăn nữa của chủ đầu tư là nhận thức của khách hàng về công trình xanh chưa đầy đủ. Đối với những khách hàng, tiêu chí chọn mua căn hộ của họ hoàn toàn không có yếu tố xanh. Họ chỉ quan tâm về vị trí, sự thuận tiện trong giao thông kết nối nhưng lại không quan tâm chủ đầu tư dùng đèn gì, nước tiết kiệm ra sao.

Mặt khác, theo ông Bách, việc phát triển công trình xanh hầu như không có hướng dẫn từ cơ quan nhà nước, quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém, nhiều bộ tiêu chí chưa thống nhất áp dụng. Thị trường hiện cũng đang xuất hiện quá nhiều công trình gắn mác “green, eco” nhưng không rõ ràng trong việc áp dụng các tiêu chí "xanh" khiến thị trường gặp khó trong việc nhận diện dự án.

Tranh mua căn hộ xanh mà giá rẻ

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn trong phát triển, song phát triển các công trình xanh hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cả cả khách hàng và chủ đầu tư. Lấy kết quả nghiên cứu từ 16 dự án công trình xanh, ông Bách cho biết, chi phí về tiêu thụ năng lượng, vận hành dự án đã giảm đáng kể, chất lượng cuộc sống cũng cải thiện.

Về phía các chủ đầu tư, lợi ích không thể phủ nhận là các dự án xanh có giá bán tốt hơn, tiêu thụ nhanh hơn, khách hàng hài lòng hơn về dự án, qua đó năng cao thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư trên thị trường. 

"Khi đầu tư công trình xanh, chi phí phụ trợ tăng nhưng quan trọng là thương hiệu của tập đoàn gắn với chữ "xanh" và lợi ích cho cư dân được khẳng định. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp có tiền cũng không mua được", ông Bách chia sẻ.

Đơn cử như tại dự án Ecohome 3 có mức giá bán nhà ở xã hội từ 16,5 triệu đồng/m2; giá bán nhà ở thương mại từ 21 triệu đồng/m2. Công trình này đạt chứng chỉ Xanh EDGE, tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. 

 Với 4.300m2 cây xanh ngoài quy hoạch, 800 cây xanh, cảnh quan, đài phun nước giúp tăng chất lượng không khí, giảm hiệu ứng đảo nhiệt, nhiệt độ tại đây có thể giảm 1-2 độ so với môi trường xung quanh, đặc biệt gần khu vực vòi phun nước.

Chính nhờ xanh mà giá rẻ nên đã có hơn 2.000 đơn đăng ký đặt mua trong khi Ecohome 3 chỉ có 1.600 căn hộ. "Dự án Ecohome 3 có lượng khách hàng đặt mua lớn, thậm chí nhiều căn hộ phải bốc thăm chứng tỏ sức hút của công trình xanh, dự án xanh ở phân khúc bình dân", ông Bách nhấn mạnh.

Trước đó, dự án Ecohome Phúc Lợi của Capital House cũng rất thành công về thanh khoản khi bán hết 90% căn hộ trước thời điểm cất nóc dự án.

Tuy nhiên, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. 

"Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường", ông Chiến khẳng định.