‘Cần tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang trung gian tài chính’

Nhật Hạ - 15:29, 04/08/2022

TheLEADERĐây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng dành cho ngành ngân hàng trong tiến trình chuyển đổi số một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không lãng phí nguồn lực.

‘Cần tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang trung gian tài chính’
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng" ngày 4/8. Ảnh: Nhật Bắc

Ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế.

Vì vậy, trong sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng" ngày 4/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải có cách tiếp cận toàn dân, người dân là trung tâm thì mọi hoạt động chuyển đổi số phải hướng tới người dân, người dân là chủ thể thì mọi người dân phải được tham gia và hưởng lợi. Chỉ có như vậy thì chuyển đổi số mới thành công.

Đáng chú ý, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2020, tài chính – ngân hàng đã được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.

Theo Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị.

Có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC, tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng là 70% vào năm 2025.

Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỉ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành ngân hàng đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, vừa do áp lực phát triển, vừa do sự quan tâm của lãnh đạo ngành. Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ giúp cả nước chuyển đổi số nhanh.

‘Cần tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang trung gian tài chính’ 1
Ngành ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, Thủ tướng nêu rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử…; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp; sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế;

Đồng thời, tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số cần có trọng tâm, tránh lãng phí nguồn lực

Do đó, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi… Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt; cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.

Thứ hai, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng ‘trăm hoa đua nở’; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán; đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác.

Ba là, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền do hiện nay xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Năm là, quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…