Cần xem lại quy hoạch trung tâm Đà Lạt

KTS. Cao Thành Nghiệp, Nguyên Hạnh Nguyên - 10:18, 31/03/2019

TheLEADERTừ khâu phân tích bối cảnh đến giải pháp của đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Đà Lạt mới được công bố cần được cân nhắc lại.

Về bước phân tích bối cảnh và đề xuất phương án quy hoạch

Khi thực hiện quy hoạch chi tiết, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là phân tích tính đặc thù, bối cảnh khu đất, xác định giá trị cốt lõi của dự án, giao thông khu vực, hạ tầng kỹ thuật…

Ở dự án này, chúng tôi cho rằng khâu phân tích, đánh giá hiện trạng, nhất là hiện trạng lịch sử, hiện trạng xã hội và thương hiệu Đà Lạt còn chưa đầy đủ nên đã dẫn đến một loạt các giải pháp đề xuất sau này bị chệch hướng.

Cần xem lại quy hoạch trung tâm Đà Lạt
Đồ án quy hoạch mới khu trung tâm Hoà Bình.

Như đề xuất xây trung tâm thương mại mới ngay cạnh chợ truyền thống là gây thêm áp lực lên hạ tầng. Khu Hòa Bình là quảng trường tiếp nhận rất nhiều đường đấu nối vào, khu vực gần đó chỉ có cầu ông Đạo là lối thoát duy nhất. Vào dịp Tết vừa rồi khu này đã kẹt cứng. Mặc dù ở xa hơn có cầu Bá Hộ Chúc hay đường bờ hồ Xuân Hương, nhưng có bán kính xa, đi vòng.

Tầm nhìn cảnh quan ra hồ Xuân Hương bị che lấp, tác động quá lớn đến khối lượng công trình bị giải tỏa trắng, và đây không phải là giải pháp chỉnh trang đô thị như trong bản đề xuất đã nêu.

Trong phần đánh giá đặc trưng Đà Lạt, tác giả đồ án cho rằng đặc trưng của Đà Lạt bao gồm “Không gian xanh và nhiều quảng trường lớn”. Như vậy là sai hẳn bản chất. Đô thị Đà Lạt sở dĩ rất đặc sắc là do hai yếu tố.

Thứ nhất, địa hình liên tục thay đổi, đường đồng mức là cơ sở cho các thiết kế quy hoạch cảnh quan và đô thị kiến trúc được thiết kế dựa theo cảnh quan, ẩn mình trong thiên nhiên. Tất cả các bản phác thảo và bản phê duyệt quy hoạch của người Pháp đều dựa trên đường đồng mức, địa hình đồi núi, đều dựa vào rừng thông và núi Langbiang làm cơ sở.

Các không gian trong bản quy hoạch đầu tiên của người Pháp đã rất tôn trọng địa hình, các khu nhà thấp tầng “Nhà xây không cao quá ngọn thông”. Công trình cao hơn ngọn thông chỉ là điểm nhấn; tháp, chóp nhà hoặc khối tích lớn phải lùi sâu vào trong rừng thông. Quy hoạch có sự giao thoa giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam; văn hóa Pháp trở thành yếu tố khơi gợi văn hóa bản địa. Ngoài ra, hệ thống công trình dinh thự rất đặc biệt do người Pháp để lại.

Kiến trúc Pháp tại Đà Lạt ngoài sự duyên dáng vì nương theo địa hình, sự giản dị vì tôn trọng địa hình, nó còn rất hấp dẫn bởi ta thấy được sự pha trộn giữa những tỷ lệ, ngôn ngữ tuyệt đẹp được thừa hưởng từ châu Âu kết hợp với kiến trúc truyền thống Việt và rất đặc biệt cả chi tiết kiến trúc người Thượng, một di sản đáng quý và thuần bản địa.

Khi không xác định được chính xác các giá trị đặc trưng, đồ án sẽ dễ sa vào duy ý chí, thiếu tính nơi chốn, có nghĩa là nó có thể áp vào đâu cũng được chứ không chỉ cho Đà Lạt.

Chính vì phân tích chung chung, không rõ bản sắc mà ba tiêu chí và bảy định hướng thiết kế mà tác giả đưa ra đã gần như không có yếu tố nào làm bật được thêm giá trị cho khu Hòa Bình ngoài việc “tạo không gian xanh, tạo mặt đứng thứ 5…”.

Ngay cả với tiêu chí xanh trong cách diễn giải của kiến trúc sư còn cho thấy đang hiểu chưa đầy đủ về khái niệm không gian xanh. Đồ án đã cố tình tô màu xanh phần mái nhà cho cảm giác xanh, nếu tô đúng màu công trình theo quy định thì sẽ thấy “rất ngợp”.

Về chiều cao công trình, tác giả không tính đến tính đặt thù của địa hình Đà Lạt. Từ Dinh Tỉnh trưởng xuống đường Phan Bội Châu, rồi đến chợ Đà Lạt và hồ Xuân Hương địa hình thay đổi rất lớn. Nhưng tại mỗi đỉnh địa hình tác giả đều gắn một công trình cao tầng vào đó. Rất gần đó, khu C chợ Đà Lạt và tòa nhà hành chính vẫn còn đó, có hài hòa với cảnh quan Đà Lạt không thì phải cân nhắc kỹ. Nếu chúng ta vẽ mặt cắt địa hình thì sẽ thấy rất rõ vấn đề này.

Trong phần xác định vấn đề cốt lõi của bối cảnh, tác giả nhận định: “…hệ thống hạ tầng không theo kịp sự phát triển của xã hội. Lượng khách du lịch tăng đột biến, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội và ảnh hưởng đến không gian sống, không gian sinh hoạt, không gian làm việc cũng như cảnh quan đô thị và sự phát triển chung của khu trung tâm Đà Lạt”.

Phần phân tích này đúng, tuy nhiên lại đưa ra phương án thêm vào trung tâm những khối thương mại, khách sạn dịch vụ qui mô lớn (thay vì văn hóa, nghĩa là cái mà một người bán có trăm người đến xem, mua) khiến cho hệ số sử dụng đất tăng vọt và làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải khu Hòa Bình. Từ đó dẫn đến phải giải tỏa nhiều nhà dân, biến không gian Đà Lạt xinh xắn, gần gũi trở thành một quảng trường lớn phi tỷ lệ. 

Điều này có đúng với bản quy hoạch chung đã được phê duyệt trước đó vào năm 2014 của Đà Lạt hay không? Đây là câu hỏi rất cần lời giải đáp thỏa đáng.

Cấu trúc khu Hòa Bình dự kiến quy hoạch chi tiết 1/500 được công bố ngày 15/3/2019 sẽ có 5 phân khu chức năng. Phân khu I (Khu vực Chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai) có quy mô khoảng 6,95 ha; là chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu đậu xe ngầm. Phân khu II (Khu Trung tâm Hoà Bình) khoảng 3,37 ha; là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí. Phân khu III (Khu vực đồi Dinh) khoảng 4,43 ha; là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu IV (Khu vực chỉnh trang đô thị) khoảng 9,19 ha; là khu vực đề xuất chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ hướng đến hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí. Phân khu V (Khu vực ven hồ) khoảng 6,06 ha; là các biệt thự và công trình dịch vụ – du lịch, lưu trú – khách sạn.

Cách ứng xử với công trình di sản

Cần phải áp dụng những nguyên tắc khoa học bảo tồn - trùng tu công trình có tính lịch sử trong đô thị: “phải quan tâm đến các đô thị lịch sử cùng với môi trường của chúng…” (hiến chương Washington- 1987) “... Bảo vệ, phát triển và thích ứng những thành phố, khu vực đó vào đời sống đương đại”.

Khoản 5, Điều 3, Nghị định 11/2013/ND-CP về “quản lý đầu tư phát triển đô thị” có quy định “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có”.

Không thể xem di sản chỉ là một khối công trình, tách rời nó khỏi bối cảnh để ứng xử một cách riêng lẻ. Không thể tách rời với không gian chung và không gian cảnh quan mà nó hiện có như sân vườn, giao thông... Từ quan điểm bảo vệ di sản, cho nó sống trong bối cảnh mới, có hơi thở mới, sẽ có nhiều giải pháp kiến trúc độc đáo ở bước sau.

Cần xem lại quy hoạch trung tâm Đà Lạt
Ví dụ minh họa về cách ứng xử kết hợp khối mới và cũ để làm tăng giá trị của di sản.

Quay trở lại bối cảnh Đà Lạt, đồ án quy hoạch mới đề xuất đã không xem xét yếu tố di sản ngay từ bước đánh giá hiện trạng đô thị dẫn đến việc đề xuất đã vấp phải sai lầm trong cách ứng xử với kiến trúc cũ.

Cũng phải kể đến trước đó có giai đoạn chính quyền Đà Lạt kéo dài tình trạng thờ ơ với di sản, “bỏ đói di sản” cho đến khi vẻ ngoài của nó không còn giá trị thẩm mỹ, người ta rất dễ dàng đưa ra quyết định kết thúc nó, hoặc tạm “giấu” nó đi.

Bài toán cụ thể cho khu Hòa Bình, tác giả bản quy hoạch chi tiết dường như đã bỏ qua việc đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa và giá trị hồn nơi chốn của hai công trình: Dinh Tỉnh trưởng và nhà hát Hòa Bình, mà chỉ phân tích theo trực giác rằng công trình xuống cấp để đưa ra phương án phá dỡ và di dời.

Cần xem lại quy hoạch trung tâm Đà Lạt 1

Lẽ ra phương án đưa ra phải tôn trọng giá trị kiến trúc và cố gắng cho nó trở về nguyên gốc: Kiến trúc giản dị nhưng rất vừa phải, hài hòa vời thiên nhiên và kích cỡ không gian đô thị. Khi đưa được về bản gốc (xây dựng năm 1937), công trình sẽ có vẻ đẹp về tỷ lệ (gồm cả tỷ lệ chính - phụ và tỷ lệ vàng). Sở dĩ các công trình kiến trúc Pháp cũ luôn được ca ngợi là vì hầu hết đi theo cái thức tuyệt đẹp đó.

Cần xem lại quy hoạch trung tâm Đà Lạt 2
Kiến trúc nguyên bản và phương án đề xuất cho khu trung tâm thương mại mới được công bố.

Hơn nữa, xét về giá trị lịch sử, Dinh Tỉnh trưởng (xây trước năm 1910) là nơi chứng kiến thời khắc chuyển giao chính quyền vào ngày 23/8/1945; về giá trị văn hóa, là công trình được xếp hạng di tích cấp thành phố. Vì vậy, trong phương án quy hoạch đề xuất, người thiết kế phải hiểu rằng mình không được phép động tới.

Vậy nhưng theo đồ án quy hoạch chi tiết “khi thực hiện công trình khách sạn sẽ có kết cấu 3 tầng chìm, 7 tầng nổi, mật độ xây dựng từ 30-70% (thay vì hiện nay là khoảng 10%), trên diện tích đất hơn 16.900m2, chiều cao tối đa 55m…” Tất cả những con số quá đồ sộ cho thấy sự ứng xử theo lối bức tử di sản và phá luôn cả cảnh quan của khu trung tâm Đà Lạt.

Cần xem lại quy hoạch trung tâm Đà Lạt 3
Hình ảnh hiện trạng và phương án đề xuất cho khu đồi Dinh mới được công bố.

Với hai công trình tiêu biểu của trung tâm Đà Lạt, tác giả đồ án muốn thay thế bằng hai khối đồ sộ, hình thức xa lạ và có phần dễ dãi, cẩu thả đã gây nhiều bức xúc vì nó động tới trái tim của những người yêu Đà Lạt.

Chúng tôi thiết nghĩ, qua một số ý kiến trái chiều hiện nay, trước mắt có hai việc cần phải được thực hiện.

Thứ nhất, Hội kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam nên có tiếng nói, đề nghị Đà Lạt bình tĩnh xem xét lại bản quy hoạch 1/500 từ bước dữ liệu, phân tích dự án, đối chiếu với bản Quy hoạch chung 1/2000, xem xét tính khả thi và cân nhắc đến các công trình di sản, công trình giá trị để có định hướng bảo tồn phù hợp…

Đề nghị ban ngành liên quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho bản quy hoạch chi tiết và kiến trúc hai công trình trọng điểm trong đề xuất là Dinh Tỉnh trưởng và nhà hát Hòa Bình.

Tại sao quy hoạch Đà Lạt được quan tâm, nhất là quy hoạch chi tiết? Bởi lẽ Đà Lạt không chỉ của người Đà Lạt, mà Đà Lạt là một thương hiệu lớn của quốc gia về du lịch và thương hiệu của Việt Nam ra quốc tế. Bởi lẽ, Đà Lạt được định vị bởi những thông điệp là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, Đà Lạt là thành phố của ngàn hoa, ngàn thông, Đà Lạt trong trái tim của bao người.