Quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt: Được và mất

Kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt - 11:50, 26/03/2019

TheLEADERQuy hoạch mới khu trung tâm Hoà Bình của thành phố Đà Lạt được tỉnh Lâm Đồng công bố gần đây đã gây ra những tranh cãi trái chiều.

Giới kiến trúc sư tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm xây dựng một Đà Lạt phù hợp với bối cảnh phát triển mới nhưng vẫn giữ được những bản sắc và giá trị đặc trưng của Đà Lạt. TheLEADER trân trọng giới thiệu bài viết của kiến trúc sư Bùi Thúc Đạt.

Thành phố của những dự định dang dở

Vào những năm cuối thế kỉ XIX, người Pháp đặt viên gạch đầu tiên làm nên thành phố Đà Lạt, thế nhưng việc kiến thiết thành phố vẫn rất trầm lắng vì dịch bệnh từ rừng cũng như thiếu rõ ràng về pháp lý. Mãi cho đến năm 1916, khi vua Duy Tân ra dụ trao quyền quản lý đất đai ở Đà Lạt cho toàn quyền Đông Dương, lúc này việc xây dựng mới trở nên khởi sắc.

Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã được giao nhiệm vụ thực hiện đồ án quy hoạch Đà Lạt. Với tầm nhìn về một thủ phủ Đông Dương, năm 1923 ông đã đưa ra đồ án quy hoạch đầu tiên cho Đà Lạt, tuy nhiên vì những đề xuất vượt ngoài khả năng của chính quyền cũng như được cho là chưa phù hợp với cảnh trí của khu vực, đồ án trở thành một dự định dang dở.

Cho tới năm 1933, dựa trên đồ án của Ernest Hébrard, kiến trúc sư Louis-Georges Pineau đã đề xuất một đồ án “hiện đại hơn, xanh hơn và dễ sống hơn” cho Đà Lạt.

Trong giai đoạn thế chiến II từ 1939-1945, dân số Đà Lạt tăng mạnh, hoạt động xây cất ở Đà Lạt diễn ra với nhịp độ cao. Cho đến năm 1942, khu trung tâm Đà Lạt đã hoàn chỉnh và gần như ổn định cho tới ngày nay.

Quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt: Được và mất
Hình ảnh khu trung tâm Đà Lạt (chụp khoảng 1920-1921). Nguồn: Flickr Manhhai.

Trong những năm sau thế chiến II cho đến khi hiệp định Genève được ký kết (1946-1954), Đà Lạt hầu như không được xây cất gì thêm.

Cho đến sau 1954, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, với định hướng phát triển Đà Lạt trở thành một điểm đến nghiên cứu khoa học và giáo dục, các công trình giáo dục được đầu tư xây dựng tại đây. Có thể kể đến như: Viện Đại Học Đà Lạt (1957), Chi nhánh nha văn khố và thư viện quốc gia (1958), Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (1963), với hơn 56 trường học, trung tâm nghiên cứu hoạt động tại Đà Lạt trong thời gian này.

Đến những năm 70 chiến sự tăng cao, các quy hoạch và dự định cho thành phố Đà Lạt đều dang dở.

Những năm 80 quy hoạch Đà Lạt lại được nhắc đến thế nhưng cũng bị trì hoãn để nghiên cứu lại vì Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mở cửa.

Trong hơn 100 năm tồn tại, đã có nhiều ấp ủ về quy hoạch thành phố Đà Lạt, từ hình ảnh một thủ phủ Liên bang Đông Dương của Ernest Hébrard, đến định hướng về một thành phố nghiên cứu khoa học giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Thế nhưng, vì biến động lịch sử những dự định này mãi nằm trên giấy và đô thị Đà Lạt cứ ổn định ung dung như nó vẫn từng.

Được và mất

Gần đây, quy hoạch của Đà Lạt lại được bàn tán nhiều, sau khi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt công bố đồ án quy hoạch 1/500 khu trung tâm thành phố. Đồ án đề xuất một quảng trường ấn tượng cho khu trung tâm với các mảng xanh trên mặt đất lẫn tầng mái của các công trình xung quanh. Bên cạnh đó, đồ án cũng đề xuất xây dựng một khối kiến trúc to lớn trên đồi Dinh thay thế cho Dinh Tỉnh trưởng cũng như xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại ngay vị trí hội trường Hòa Bình.

Từ bản quy hoạch này có thể thấy một tương lai cho thành phố Đà Lạt mà ở đó có những cái được và mất.

Quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt: Được và mất 1
Phối cảnh chi tiết khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt.

Đồ án đề xuất biến con đường Nguyễn Thị Minh Khai thành phố đi bộ và kết hợp với các khu vực lân cận tạo thành một quảng trường lớn, giới hạn bởi khối khách sạn BAVICO và đường Lê Thánh Tôn, đồng thời giữ lại kiến trúc chợ Đà Lạt cũng như không gian bùng binh phía trước chợ.

Đây có thể xem là điểm được của đồ án, bởi lẽ so với hiện trạng, đồ án này mở ra nhiều không gian cho người đi bộ, tạo điều kiện diễn ra cho các hoạt động thương mại và văn hóa trên trục đường này.

Điểm đáng ngại ở đây là việc ngăn cản các phương tiện cơ giới tiếp cận chợ Đà Lạt. Cần tính toán vấn đề lưu thông hàng hóa cho chợ và đảm bảo các hoạt động mua bán của chợ truyền thống diễn ra. Hơn hết không biến chợ thành một trung tâm thương mại, nếu làm được những việc này thì đề xuất của đồ án là một điểm được cho bộ mặt trung tâm thành phố.

Song bên cạnh những điểm được, đồ án cũng đưa ra nhiều đề xuất khó hiểu. Như việc thay thế Dinh Tỉnh trưởng bằng một khối kiến trúc đồ sộ và đặt giữa trung tâm Hòa Bình một khu thương mại kiểu mới. Đây là một bước đi có thể đưa Đà Lạt vào con đường mà đích đến là những mất mát không thể cứu vãn được.

Khách sạn đồi Dinh, trong tổng thể đồ án có vai trò như là một điểm nhấn cho khu vực trung tâm. Có thể nói, đây là đề xuất cho thấy một quan điểm thiết kế kỳ lạ và có phần lạc hậu. Đã qua rồi cái thời mà con người ước muốn xây dựng công trình đồ sộ trên những ngọn đồi. 

Bởi lẽ, không giống như Athens, Paris hay bất kỳ thành phố nào trên thế giới, Đà Lạt có nét duyên của riêng mình, cái nét hiền hòa của một thành phố dưới tán thông, dưới những ngọn đồi.

Thế nên, thay thế Dinh Tỉnh trưởng bằng khách sạn đồi Dinh sẽ là một bước đi mất nhiều hơn được, bởi lẽ đường chân trời bình yên của Đà Lạt sẽ không còn nữa.

Theo thiết kế phân khu 2 của đồ án, hội trường Hòa Bình trong tương lai sẽ trở thành một trung tâm thương mại sầm uất và náo nhiệt. Tuy nhiên để có được sự náo nhiệt đó, theo đồ án đề xuất, thành phố Đà Lạt phải chấp nhận đặt để một khối kiến trúc to lớn vào khu trung tâm Hòa Bình, đồng nghĩa với việc phải hy sinh một khoảng không gian âm quý giá có tính định hình lâu đời của trung tâm Hòa Bình.

Năm 1929 một chợ cây lợp tôn đã được xây dựng tại khu vực trung tâm Hòa Bình. Ngôi chợ đã bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn. Vào năm 1937, một ngôi chợ bằng gạch đã được cho xây dựng cũng ngay tại vị trí này, với một khối tháp cao đã định hình vùng trời khu vực này mãi cho tới hôm nay.

Quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt: Được và mất 2
Chợ cũ Đà Lạt, được xây dựng năm 1937. Giai đoạn khu trung tâm Đà Lạt đã dần hoàn chỉnh và ổn định. Ảnh từ Flickr Manhhai.

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, chợ cũ Đà Lạt đã được cải tạo, thay thế bằng hội trường Hòa Bình, tuy vậy vùng không gian âm của khu trung tâm Hòa Bình vẫn giữ được hình ảnh đặc trưng với sự xuất hiện của khối tháp cao.

Đà Lạt sẽ còn thong dong?

Thời gian trôi qua trên thành phố này, Đà Lạt cũng đã đôi lần phải thay đổi theo quy luật của lịch sử nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Đà Lạt vẫn giữ được cái thong dong vốn có của mình, thay vì sự hối hả như những đô thị khác.

Đà Lạt phải thay đổi, đó là một sự thật dù muốn dù không, thế nhưng, những giá trị của thành phố này phải được bảo vệ. Đó không phải là rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, hay Dinh Tỉnh trưởng, mà là cái thong thả, ung dung vốn có. Đà Lạt thành phố trong rừng, không phải bởi bao nhiêu bãi cỏ, bao nhiêu gốc cây mà là vì thái độ nép mình trước thiên nhiên, một thái độ sống, một thái độ Đà Lạt.