Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã gỡ được nút thắt về vốn

Hạ Vũ - 14:30, 15/08/2019

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, bài toán vốn đầu tư cho các hợp phần trong dự án cao tốc từ TP. HCM - Cần Thơ cơ bản đã có phương án giải quyết.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã gỡ được nút thắt về vốn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 15/8.

Tuy nhiên, trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề chính nằm ở đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, đến nay dự án này còn chưa mở thầu.

Ông Thể cho biết, đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính phủ đã triển khai dự án này được 10 năm, tuy nhiên đến nay tiến độ vẫn chậm.

Đối với đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, Chính Phủ vừa có quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời đồng ý điều chỉnh lại tiến độ dự án. Phương án điều chỉnh cũng đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Cách đây vài ngày, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. 

"Ngoài 2.186 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ, nhà đầu tư đã bỏ vốn khoảng 3.000 tỷ đồng, số còn lại là vốn tín dụng. Vừa qua Chính phủ đã giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận", ông Thể cho biết thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, với khoản đầu tư trên, năm 2020 sẽ thông xe đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng thời hoàn thành năm 2021 đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ dự án đang được kiểm soát.

Đối với cầu Mỹ Thuận 2, Quốc hội đã bố trí 5.100 tỷ đồng, bộ đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I/2020, dự án sẽ khởi công, riêng hai đường vào cầu sẽ mở vào cuối năm 2019. 

Đối với đoạn cuối cùng từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, ông Thể cho biết, dự án này chưa mở thầu, lý do là còn phải bổ sung nguồn vốn 932 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung nguồn vốn này, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức. 

"Chúng tôi đã dự kiến từ đây đến cuối năm 2019 sẽ mở thầu đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời sẽ làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ về dự án này", ông Thể nói. 

Dự kiến, đầu năm 2020, Bộ Giao thông vận tải sẽ sử dụng 932 tỷ đồng để giải quyết mặt bằng, đồng thời nhà đầu tư được lựa chọn sẽ tiến hành thiết kế và tổ chức thi công. Đến cuối năm 2020, nếu điều kiện thuận lợi, dự án cao tốc đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ hoàn thành được nền đường, còn mặt đường và thông xe thì khó khăn bởi đến thời điểm này dự án vẫn chưa được mở thầu.

Trước đó, tại cuộc họp bàn để tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, nếu không có gì thay đổi, phần vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019 này.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Mình Tú khẳng định, đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay. Đề nghị các ngân hàng không áp đặt tỷ lệ vốn tự có của nhà đầu tư bằng 30% tổng mức đầu tư là điều kiện tiên quyết. 

"Hiện nay, các ngân hàng không thiếu vốn, nếu có thiếu thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án", ông Tú nói.