CEO HSBC Việt Nam: Hai yếu tố quan trọng với ngân hàng 2022

Kiều Mai - 12:14, 01/01/2022

TheLEADERTrong thời gian tới, các ngân hàng tại Việt Nam cần tập trung hơn vào vấn đề tài chính xanh và số hóa ngân hàng, để có thể phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá 2021 là một năm khó khăn không chỉ riêng với Việt Nam, mà cả thế giới, khi xuất hiện biến chủng Delta.

Việt Nam đã chủ động ban hành những chính sách hỗ trợ hiệu quả như giảm thuế, giãn thuế, giảm phí, giãn nợ. Cùng với đó, Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp khác như hỗ trợ thất nghiệp, hỗ trợ tiền điện nước.

“Tốt nhất nên duy trì những chính sách này để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua đợt khủng hoảng này, vì các chính sách tiền tệ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, mà còn đảm bảo Việt Nam có thể để lấy lại đà tăng”, ông Tim nhấn mạnh.

Theo ông, để phục hồi và tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung phát triển hơn nữa hai yếu tố của khu vực ngân hàng, bao gồm tài chính xanh và số hóa ngân hàng.

Tài chính bền vững

Vị tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh, với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Dù vậy, đây cũng là lĩnh vực cần tập trung nhiều hơn, đặc biệt là năng lượng xanh.

Nguyên nhân là bởi trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số trở ngại, bao gồm tình trạng thiếu nhân sự có chuyên môn và kỹ năng, thiếu tiêu chuẩn thống nhất về tài chính xanh và phân loại đúng nghĩa.

Cùng với đó, các đơn vị có tầm ảnh hưởng trên thị trường không thể hiện cam kết rõ ràng và mạnh mẽ, độ “vênh” về thời hạn giữa nhu cầu tài chính với nguồn vốn, và thiếu dữ liệu ESG minh bạch.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ phát triển tài chính xanh, đơn cử Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 10 – 12 ngân hàng có đơn vị chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường, xã hội, và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Theo khảo sát do IFC và NHNN tiến hành, không nhiều ngân hàng Việt Nam có chính sách, quy trình hoặc hệ thống chính thức để quản lý rủi ro môi trường và xã hội của khách hàng. Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu hướng dẫn cụ thể về xác định và quản lý trong tài trợ dự án.

CEO HSBC Việt Nam: Hai yếu tố các ngân hàng cần tập trung
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam khuyến nghị đối với thị trường tín dụng, NHNN có thể ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng, để các ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn và chủ động lên kế hoạch.

Cùng với đó, nên đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết quả tài chính xanh cho từng ngân hàng, ví dụ như tỷ lệ số dư xanh chưa kết trên tổng sổ sách; cũng như cân nhắc áp dụng trần tăng trưởng tín dụng cao hơn cho những ngành thuộc nhóm xanh, hoặc hỗ trợ tài chính cho tín dụng xanh.

Ngoài ra, có thể thêm ưu đãi để khuyến khích, như nâng trần tăng trưởng tín dụng chung cao hơn cho những ngân hàng đạt hoặc vượt chỉ tiêu, hay không áp dụng/ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với số dư xanh.

Ông Tim lưu ý cần phải có khung pháp lý rõ ràng cho các công cụ thị trường vốn, bởi hiện nay, sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải là quy định chính thức.

Số hóa trong ngành ngân hàng

2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn, như dân số trẻ và yêu thích công nghệ, độ phủ mạng 3G/4G rộng và số người sử dụng điện thoại di động cao.

Đại dịch Covid-19 đóng vai trò như một chất xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, tỷ lệ đón nhận số hóa của Việt Nam còn khá thấp, vì khách hàng chưa nhìn thấy lý do thôi thúc họ phải đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mạng.

Tuy nhiên, khi Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách lần đầu vào tháng 4/2020, người dân nhận thức ngày càng rõ tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ trên mạng.

Theo Ernst & Young, khoảng 85% người tiêu dùng đã sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần một tuần. 44% người tiêu dùng đã mua hàng hóa và dịch vụ trên các kênh mạng xã hội khi đại dịch xuất hiện.

“Lợi thế phát sinh trong nghịch cảnh chính là Covid-19 đã thúc đẩy tỷ lệ chấp nhận và sử dụng ngân hàng số gia tăng. Giờ đây, chúng ta cần hành lang pháp lý nâng cấp, hoàn thiện nhanh chóng để kịp hỗ trợ quá trình số hóa đang diễn ra”, ông Tim nhấn mạnh.

CEO HSBC Việt Nam: Hai yếu tố các ngân hàng cần tập trung 1
2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng ở Việt Nam đã chủ động triển khai số hóa quy trình nội bộ, như hệ thống giao dịch thời gian thực và các kênh đầu cuối như định danh khách hàng trực tuyến, thanh toán bằng mã QR. Một số ngân hàng đã đưa vào kế hoạch ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, API mở, chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ cũng rất chủ động hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng. Trong tháng 5, NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng dẫn ngành ngân hàng thực hiện chuyển đổi số như một nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam cũng đặt tham vọng ít nhất 70% nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số đến năm 2030.

Dự báo nhu cầu khách hàng luôn biến đổi không ngừng, và đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn. Theo ông Tim, mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng, cùng với khuyến khích thay đổi tâm lý e ngại, lo lắng về an toàn trên không gian mạng của người tiêu dùng.

“Thay đổi tư duy không phải một việc dễ dàng làm được ngay trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta cần lắng nghe những băn khoăn của khách hàng. Bên cạnh đó, cần thể hiện rõ phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng ra sao khi họ bắt đầu thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay”.

Trong tương lai, nhiều chuyên gia tin rằng chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế. Khi đó, ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò không nhỏ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam, ông Tim nhấn mạnh.