Chìa khóa thúc đẩy tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng

Phương Anh - 16:08, 04/05/2023

TheLEADERSự tham gia của khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ cho cơ sở hạ tầng, giúp các nền kinh tế đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội.

Nhu cầu tài chính khổng lồ

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực các nước châu Á đang phát triển sẽ cần đầu tư 13,8 nghìn tỷ USD, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2023 – 2030, để duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với các nền kinh tế ASEAN, ước tính tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ít nhất là 2,8 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ, tương đương 184 tỷ USD hàng năm. Những con số này có thể tăng lên lần lượt là 3,1 nghìn tỷ USD và 210 tỷ USD/năm ước tính điều chỉnh theo kịch bản khí hậu.

Những con số khổng lồ này thậm chí chưa bao gồm chi phí bổ sung liên quan đến thiên tai và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng tác động đến cơ sở hạ tầng hiện có ở Đông Nam Á, ADB cho biết trong báo cáo “Tăng cường những phương thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững và thích ứng trong ASEAN+3” mới đây.

Phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và công cộng trong khu vực thường được tài trợ gần như hoàn toàn bằng nguồn lực công (lên tới 92%), nhưng sự hỗ trợ này không thể giải quyết được thâm hụt ngày càng lớn giữa yêu cầu và vốn huy động được.

Không chỉ vậy, gần đây, nguồn tài chính công dần bị hạn chế, do chi phí năng lượng tăng, và việc tái phân bổ ngân sách cho các chương trình bảo trợ xã hội và an ninh lương thực đã tiếp tục cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Vì yêu cầu tài trợ cho cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong khi quỹ công hữu hạn không cho phép đầu tư quy mô lớn liên tục, nên theo ADB, cần phải có sự thay đổi mô hình trong việc tìm nguồn cung ứng và huy động các nguồn vốn.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên của ASEAN đã không thể khai thác hiệu quả các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, và mặc dù đầu tư nước ngoài đã trở lại mức trước đại dịch, khu vực này chỉ nhận được 11% tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu.

Quan niệm rằng tài trợ cho cơ sở hạ tầng là trách nhiệm công và lĩnh vực đầu tư cho tài trợ công, khiến các nhà đầu tư tư nhân không có nhiều cơ hội tham gia.

Ngoài ra, bất ổn chính trị, quản trị yếu kém, năng lực quản lý không đầy đủ, và thiếu hệ thống các dự án khả thi sẵn sàng cho đầu tư, cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Các dự án này thường liên quan đến chi phí vốn trả trước cao, thời gian thai nghén dài, rủi ro về lợi nhuận, và lợi ích xã hội có thể không đáp ứng được khẩu vị rủi ro tài chính - lợi nhuận của các nhà đầu tư tư nhân.

Những trở ngại và nhận thức này ảnh hưởng xấu đến việc huy động các nguồn vốn quan trọng, dẫn đến việc trì hoãn các quyết định đầu tư.

Tìm cơ chế hút đầu tư tư nhân

Tương lai của cơ sở hạ tầng sẽ được định hình bằng cách làm cho cơ sở hạ tầng mới trở nên bền vững, và cơ sở hạ tầng hiện tại có khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng và huy động tài chính là điều khó khăn, nhưng không phải là không thể, ADB nhận định.

Theo Tổng giám đốc điều hành của ADB – ông Woochong Um, cần có những cơ chế tài chính sáng tạo để thu hút nguồn vốn tư nhân và thể chế, cùng với các nguồn vốn của nhà nước, để tài trợ cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp tạo việc làm và tao ra thu nhập cho các nền kinh tế địa phương.

“Phải xây dựng một khung chính sách và quy định tạo thuận lợi, nhằm giảm rủi ro, cung cấp những biện pháp tăng cường tín dụng và loại bỏ rủi ro, đồng thời, mang lại cơ hội đầu tư cho tất cả các bên liên quan cùng hợp tác”, ông phân tích.

Thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng và huy động tài chính là điều khó khăn, nhưng không phải là không thể.

Bà Indranee Rajah, Bộ trưởng thứ hai Bộ Tài chính và Bộ Phát triển quốc gia Singapore, nhấn mạnh: “Việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về những phương thức tài trợ sáng tạo sẽ là yếu tố then chốt, để khuyến khích nguồn vốn đầu tư lớn hơn vào các dự án có tiềm năng tài chính thấp.

ADB trong báo cáo đánh giá mặc dù có nhiều hạn chế với sự phát triển cơ sở hạ tầng hiện tại, tài chính sáng tạo cung cấp các phương pháp tiếp cận mới có thể huy động vốn đầu tư gia tăng, để thu hẹp khoảng cách.

Hiện có hơn 200 nghìn tỷ USD vốn tư nhân trên thị trường vốn toàn cầu. Do đó, các cơ chế tài chính đổi mới cần phải được xây dựng và quản lý, nhằm xúc tác cho tài chính tư nhân và các tổ chức cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Một môi trường hỗ trợ đầu tư có các các giải pháp tài chính sáng tạo, và được hỗ trợ bởi công nghệ phù hợp, có thể huy động các nguồn tài chính.

Một số mô hình tài chính của cơ chế tài chính đổi mới có thể kể tới là tín chỉ xanh, thị trường tín chỉ carbon, gọi vốn cộng đồng, quỹ xanh/quỹ chuyển dịch của chính phủ (phổ biến trong lĩnh vực nước và năng lượng tái tạo), quan hệ đối tác công – tư (PPP), hay sản phẩm liên kết bảo hiểm.

Các cơ chế tài chính sáng tạo có thể định nghĩa là các mô hình mới, và vượt ra ngoài khuôn khổ nợ thương mại. Các cơ chế này sử dụng các quỹ công để xúc tác tài chính tư nhân và quỹ tổ chức, nhờ vào giảm thiểu rủi ro đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, và tạo cơ hội hợp tác để đạt đến những kết quả bền vững.