Trung Quốc tăng gấp đôi đầu tư cơ sở hạ tầng để ‘cứu’ tăng trưởng

Kiều Mai - 20:12, 20/07/2022

TheLEADERNăng lượng tái tạo, công nghệ, và quản lý nguồn nước sẽ là những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất trong làn sóng tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới nhất tại Trung Quốc, đánh dấu bước chuyển chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nửa cuối năm nay, đưa thêm hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 149 tỷ USD để bổ sung cho nỗ lực vực dậy nền kinh tế.

Điều này diễn ra trong bối cảnh quốc gia này mới đây ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế quý yếu nhất kể đầu năm 2020, theo thông tin từ Caixin.

Các biện pháp cứng rắn từ chính sách zero-Covid nghiêm ngặt đã làm suy yếu tiêu dùng và xuất khẩu. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách nước này đã và đang do dự với biện pháp chuyển tiền mặt trực tiếp cho người tiêu dùng.

Do vậy, để thúc đẩy nhu cầu trong nước và đạt được mục tiêu tăng trưởng năm ở mức 5,5%, Trung Quốc gần như không có lựa chọn nào khác ngoài tăng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đã phê duyệt 48 dự án đầu tư tài sản cố định trong 5 tháng đầu năm, với tổng giá trị hơn 654 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 80% tổng số tiền đầu tư của cả năm ngoái.

Trong nửa đầu năm nay, các chính quyền địa phương đã phát hành trái phiếu có mục đích đặc biệt (special-purpose bonds - SPB) với tốc độ kỷ lục. Cụ thể, các địa phương đã gần chạm tới mức hạn ngạch SPB hàng năm tài trợ cho cơ sở hạ tầng và phúc lợi công cộng, với tổng 3,41 nghìn tỷ Nhân dân tệ đã được phát hành, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc.

Trước khi bắt đầu vòng tăng đầu tư mới nhất, Chính phủ Trung Quốc đã một lần nữa tận dụng các ngân hàng chính sách nhằm hỗ trợ cho kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng toàn diện, khi thông báo sẽ huy động 300 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 45 tỷ USD, thông qua bán trái phiếu tài chính và các phương pháp khác để tài trợ cho các dự án hạ tầng vào cuối tháng trước.

Chưa hết, thông tin từ Caixin đầu tháng trước cho biết Trung Quốc thông báo tăng hạn ngạch tín dụng cho các ngân hàng chính sách với tổng giá trị 800 tỷ Nhân dân tệ, cũng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng.

Tuy vậy, so với vòng đầu tư 4.000 tỷ Nhân dân tệ mà chính phủ nước này đã thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2009 để kích thích nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vòng đầu tư mới nhất không dễ gì tạo ra các dự án sinh lời, Zhang Liao - Chủ tịch công ty tư vấn cơ sở hạ tầng Shanghai Jumbo Consulting nói với Caixin.

Theo phân tích, một số dự án sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, như các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo tồn nước, trang trại điện gió và năng lượng mặt trời.

Đơn cử, các dự án nằm trong danh mục cơ sở hạ tầng mới của NDRC - được xây dựng vào tháng 4/2020 - có thể đón nhận dòng vốn mới trong lần này, đơn cử như dự án "Dữ liệu phía Đông và điện toán phía Tây" đầy tham vọng.

Được triển khai từ tháng 2 vừa qua, kế hoạch này nhằm tạo ra một hệ thống mạng lưới điện toán mới tích hợp trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dữ liệu lớn, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ ở khu vực phía Tây Trung Quốc để lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu được chuyển về từ khu vực phía Đông - nơi tọa lạc của hầu hết trụ sở ngành công nghiệp Internet của nước này.

Với năng lượng tái tạo, sự phát triển của lĩnh vực này đang bùng nổ nhờ vào cam kết của Trung Quốc về trung hòa carbon vào nửa sau của thế kỷ này.

"Khi mức tiêu thụ điện của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng đòi hỏi cam kết mạnh mẽ hơn về đảm bảo cung cấp điện, chúng tôi dự báo đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ vào năng lượng mới, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng như lưới điện, để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao", các nhà phân tích tại Citic Securities Co. Ltd. cho biết trong một đánh giá vào hồi tháng 5 vừa qua.

Để loại bỏ dần các nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng chuỗi dự án điện gió và điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên ở khu vực sa mạc Gobi và cả vùng cực Bắc của nước này, với công suất lắp đặt hơn 97GW.

Vào tháng 2, các nhà chức trách cho biết kế hoạch về loạt dự án thứ hai với công suất dự kiến khoảng 455GW năng lượng sạch vào năm 2030.

Một số nhà phân tích cho rằng động thái mới nhất của Trung Quốc sẽ mang lại kết quả tích cực. Đơn cử, nhóm chuyên gia tại Morgan Stanley đầu tháng này đã nâng dự báo tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng lên ngưỡng 9 - 10% so với con số chỉ 5% trước đó, với kỳ vọng nguồn đầu tư này sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP dần phục hồi trong nửa cuối năm.

Các nhà kinh tế tại Nomura Holdings và các nhà phân tích tại Citic Securities cũng cho rằng mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 10% trong năm nay.

Dù vậy, một số ý kiến khác cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng trong đầu tư cơ sở hạ tầng có thể suy giảm do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, từ đó hạn chế khả năng tác động tới tăng trưởng kinh tế chung.

Theo các nhà kinh tế của Nomura, nếu tính đến lạm phát, mức tăng trưởng đầu tư hạ tầng thực có thể chỉ ở mức dưới 5% trong năm nay. Ngoài ra, những bất ổn liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc có thể tiếp tục làm chậm lại hoạt động xây dựng và mua bán thiết bị.