Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2020

Tùng Anh - 09:02, 01/09/2020

TheLEADERTừ tháng 9/2020, nhiều chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực, nổi bật trong số đó là chính sách liên quan đến thu phí cách ly người nhập cảnh, quay trở lại tên gọi "trạm thu phí", hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp...

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2020
Từ 1/9, thu phí tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở nơi cách ly.

Thu phí cách ly người nhập cảnh

Thông báo số 313/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/8/2020 nêu rõ, Thủ tướng đồng ý mở rộng cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí, có giám sát. 

Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn để từ 1/9, thu phí tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả nơi cách ly.

Chi phí khám chữa bệnh cho những người mắc Covid-19 tiếp tục do ngân sách Nhà nước chi trả.

“Trạm thu giá” trở về tên “trạm thu phí”

Trước đây, năm 2010, tại Thông tư 05, Bộ Giao thông vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.

Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải lại ban hành ra Thông tư 49, thay thế Thông tư 05. Trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.

Từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49 nêu trên. Theo quy định của Thông tư này, trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu của nó, là trạm thu phí.

Cũng theo thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh.

Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần

Nghị định 88 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.

Theo nghị định này, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.

Theo quy định cũ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám. 

Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo

Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 5/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.

Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp: được sự đồng ý của người đó, thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình

Điều này được thể hiện trong Nghị định 82 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. 

Theo đó, từ ngày 1/9, một trong số các hành vi sau sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng thay vì 1-3 triệu đồng như trước đây. 

Thứ nhất là đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Thứ hai là đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

Thứ ba là chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Thứ tư là kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. 

Nghị định cũng quy định hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách về dân số sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.