Chủ động nhập khẩu nguyên liệu tránh nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá

Nhật Hạ - 08:53, 03/03/2021

TheLEADERTrước nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá của nguyên liệu thô, doanh nghiệp cần chủ động trong nhập khẩu nguyên liệu để đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 2/3, liên quan tới việc giá nguyên liệu thô thế giới tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định vấn đề này hoàn toàn bình thường.

Trên thế giới, không riêng nguyên liệu thô, giá của tất cả mặt hàng đều biến động theo chu kỳ. Trong một thời điểm nào đó sẽ tăng giá mạnh và trong thời điểm nào đó lại xuống giá.

Chủ động nhập khẩu nguyên liệu tránh nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo Chính phủ ngày 2/3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về việc này, Bộ Công thương đã cung cấp thông tin và cảnh báo đến các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, việc giá nguyên liệu tăng có thể kéo theo giá các mặt hàng thành phẩm tăng theo và doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng về sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Hải cho rằng doanh nghiệp cần chủ động trong nhập khẩu nguyên liệu để đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Trước đó, tờ Financial Time dẫn nhận định của giới chuyên gia rằng nguyên liệu thô toàn cầu đang đứng trước siêu chu kỳ tăng giá dài hạn tương tự như vào thập niên 1970 và 2000, nhờ sức bật của kinh tế toàn cầu ở thời kỳ hậu Covid-19.

Điển hình nhất là giá dầu thô vượt mốc 60 USD/thùng, trong khi đó, giá đồng chạm mức cao nhất trong 8 năm qua.

Trước thông tin này, ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp thích ứng.

Được biết trong tháng 2/2021, các tổ chức tài chính quốc tế lớn như ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đồng loạt đưa ra nhận định giá các loại hàng hóa cơ bản như nguyên liệu thô có thể sẽ bắt đầu một siêu chu kỳ giá mới. Theo đó, giá các mặt hàng này sẽ cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn.

Trong 100 năm qua, giá hàng hoá cơ bản đã trải qua 4 siêu chu kỳ giá. Sự gia tăng này được xem là cơ hội của một số nền kinh tế giàu tài nguyên khoáng sản như Canada, Brazil, Chile và Venezuela.

Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định hàng hoá cơ bản là lựa chọn tốt để chống lại lạm phát. Giới đầu tư hiện đang ngày càng lo ngại hơn về rủi ro lạm phát khi môi trường chính sách tiền tệ siêu lỏng và lãi suất cực thấp xuất hiện trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia từ JPMorgan Chase, giá hàng hoá cơ bản cũng có thể tăng cao do hệ quả không mong muốn của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc kêu gọi phát triển bền vững đặt ra nguy cơ siết chặt hoạt động khai thác dầu mỏ, trong khi thúc đẩy nhu cầu về kim loại cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo, sản xuất pin và xe điện.

Giám đốc điều hành Mike Henry của Tập đoàn BHP nhận định những xu hướng tăng giá hàng hoá cơ bản trên thị trường còn liên quan đến sự gia tăng dân số toàn cầu, quá trình điện hoá và dịch chuyển cơ cấu năng lượng. Tất cả những yếu tố này đều hỗ trợ nhu cầu hàng hoá cơ bản trong trung và dài hạn. BHP hiện là một trong những hãng khai khoáng lớn nhất thế giới, đặc biệt là lĩnh vực khai thác quặng sắt và đồng.