Chứng khoán Việt Nam sẽ đón nửa tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài sau khi được nâng hạng

Minh An - 22:28, 27/09/2018

TheLEADERKhoảng 35 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và 4 trên HNX đủ điều kiện lọt vào danh mục của chỉ số FTSE Emerging khi thị trường chứng khoán được nâng hạng.

Chứng khoán Việt Nam sẽ đón nửa tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài sau khi được nâng hạng
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng Quản trị HOSE

Tổ chức cung cấp các chỉ số chứng khoán FTSE mới đây công bố đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi cho việc nâng hạng từ Frontier lên Secondary Emerging. Thông tin này đã tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (27/9), chỉ số VNIndex tăng 0,57% lên mức 1.015 điểm.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về vấn đề này:

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên Secondary Emerging của FTSE sẽ tác động tích cực như thế nào đến thị trường?

Ông Lê Hải Trà: Đó là triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được chính thức nâng hạng sau 12 tháng nữa. Nghĩa là chúng ta đứng trước cơ hội các quỹ đầu tư hoạt động trên cơ sở chỉ số FTSE Emerging sẽ phân bổ vốn nhiều hơn vào các cổ phiếu niêm yết đủ điều kiện để lọt vào rổ chỉ số này. Từ đó, có thể xuất hiện một dòng vốn đón đầu sự kiện này, hình thành nên làn sóng đầu tư mới tìm đến Việt Nam

Bên cạnh việc tăng mạnh về quy mô thị trường thời gian gần đây, những thay đổi nào trên thị trường chứng khoán đã khiến FTSE chú ý đến Việt Nam và đưa vào danh sách theo dõi?

Ông Lê Hải Trà: Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí định lượng về qui mô và thanh khoản của các doanh nghiệp niêm yết. Gần đây, các nhóm tiêu chí về kinh tế vĩ mô, định mức tín nhiệm quốc gia, hệ thống pháp lý/quản lý, hoạt động của thị trường chứng khoán đã ghi điểm tốt hơn.

MSCI cũng đã theo dõi thị trường Việt Nam nhiều năm qua những vẫn chưa đưa Việt Nam khỏi danh sách thị trường cận biên (Frontier Markets). Những lý do chính là gì và Việt Nam có thể thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của MSCI không?

Ông Lê Hải Trà: MSCI không phải là tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán duy nhất. Trên thế giới, có các tổ chức tính toán chỉ số chứng khoán phục vụ cho mục đích đầu tư trên phạm vi toàn cầu như MSCI, FTSE Russell hay S&P.

Các tổ chức này có các quan điểm, nguyên tắc, và tiêu chí xếp hạng thị trường riêng, nhiều tương đồng nhưng vẫn có những sự khác biệt – ví dụ riêng MSCI chỉ xếp Hàn Quốc trong nhóm Emerging Market. 

Những lý do của MSCI về thị trường Việt Nam đã được tổ chức này công bố và giải thích đầy đủ. Việt Nam đã có những nỗ lực và tiến bộ đáng kể, nhưng cần được cộng đồng đầu tư quốc tế ghi nhận và ủng hộ để có tác động đến nhận định của các tổ chức tính toán chỉ số như FTSE hay MSCI. Đó là điều Việt Nam cần làm tốt hơn nữa.

Nếu được thăng hạng, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh vào thị trường chứng khóan Việt Nam, nhưng quy mô sẽ như thế nào? Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở một số công ty có trở thành yếu tố cản trợ dòng vốn mới này không?

Ông Lê Hải Trà: Theo tiêu chí của FTSE, sẽ có khoảng 35 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và 4 trên HNX đủ điều kiện lọt vào danh mục của chỉ số FTSE Emerging, với tỷ trọng chỉ khoảng 0,52% của chỉ số này.

Điều này phản ánh thực tế là doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam còn rất hạn chế về quy mô và thanh khoản, tính theo tổng giá trị vốn hóa được điều chỉnh theo tỷ lệ chuyển nhượng tự do – freefloat.

Theo đó, ước tính sẽ có khoảng nửa tỷ USD được các quỹ đầu tư phân bổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, theo các tiêu chí của FTSE, một số cổ phiếu dù có quy mô vốn hóa lớn của Việt nam vẫn không được tham gia vào rổ chỉ số của FTSE do hết room sở hữu nước ngoài hay có tỷ lệ freefloat thấp. Tuy nhiên, dòng vốn tìm đến thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng sẽ không chỉ hạn chế trong các quỹ đầu tư hoạt động trên cơ sở chỉ số FTSE Emerging.

Xin cảm ơn ông!