Chuyển đổi ngành năng lượng sang cơ chế thị trường cạnh tranh

Thái Bình - 07:51, 05/01/2021

TheLEADERĐề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt với nhiều nội dung đáng chú ý.

Chuyển đổi ngành năng lượng sang cơ chế thị trường cạnh tranh
Ngành điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ đầu năm 2019) và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của nhà nước.

Theo đó, phạm vi đề án bao gồm ba phân ngành năng lượng (than, khí và điện lực) giữ vai trò quan trọng, chủ chốt trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí, điện) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành than, khí và điện lực; bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.

Thị trường than, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với việc cung cấp than cho sản xuất điện (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cung cấp than) và xuất khẩu than; từng bước chuyển đổi theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh, các chủ thể tham gia thị trường thực hiện giao dịch, mua bán than, cung cấp các dịch vụ cho việc giao dịch, mua bán than tuân thủ quy định và thông lệ của thị trường.

Thị trường khí, từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG; xây dựng lộ trình, vận hành thị trường cạnh tranh phân phối khí hạ nguồn với việc đưa vào áp dụng quy định quyền được thuê và sử dụng hạ tầng của bên thứ ba; tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ và cam kết thương mại đã ký đối với các hệ thống thu gom, phân phối khí phát triển trên cơ sở các dự án khai thác khí trong nước.

Thị trường điện, củng cố phát triển mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề vững chắc để chuyển đổi sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với thị trường khí, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 duy trì mô hình thị trường khí như hiện tại đối với việc cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên (bằng đường ống) với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn đối với mỗi hệ thống khai thác, phân phối khí (trừ các dự án được Chính phủ phê duyệt cơ chế khác trong hợp đồng mua bán khí); cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa (không dùng đường ống) đối với LPG, CNG; cho phép các nhà thầu, chủ đầu tư của dự án khai thác khí mới lựa chọn đàm phán bán khí trực tiếp đến các loại hộ tiêu thụ hoặc bán buôn cho PVN/PVGas.

Triển khai vận hành mô hình kinh doanh mới đối với các dự án LNG nhập khẩu (các thành phần tham gia nhập khẩu LNG bán khí trực tiếp đến khách hàng)…

Thị trường than, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 duy trì mô hình các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc khai thác, sản xuất, kinh doanh than trong nước; tăng cường thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh than, đặc biệt là nhập khẩu than; duy trì mô hình cấp than cho các hộ tiêu thụ như hiện nay.

Với thị trường điện, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh; triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo tiến độ quy định tại Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Từ năm 2026, hoàn thiện, phát triển, mở rộng phạm vi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Liên quan tới tổ chức thực hiện, một trong những trách nhiệm đáng chú ý của Bộ Công thương là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành chính sách giá năng lượng theo cơ chế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng…

Tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020: Triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể.

Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng như than, điện, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia…