Chuyên gia Nguyễn Chí Dũng: 'Cơ quan Nhà nước còn né tránh cung cấp thông tin cho báo chí'

Kim Ngân - 15:44, 29/01/2018

TheLEADERMột khảo sát của Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển cho biết, 80% phóng viên báo chí được hỏi đều đánh giá một số cơ quan Nhà nước hiện còn né tránh cung cấp thông tin.

Nghị định số 09/2017/NĐ-CP về quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được đánh giá là một tiến bộ lớn trong việc truyền thông chính sách.

Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội như hiện nay, truyền thông chính sách càng trở nên quan trọng trong việc đưa đến những thông tin chính xác cho người dân.

Tuy nhiên quá trình thực hiện truyền thông chính sách vẫn còn những tồn đọng, dẫn tới kết quả còn khá khiêm tốn.

Để hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến việc cung cấp thông tin cho báo chí, vấn đề phát ngôn và quá trình truyền thông chính sách, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Chí Dũng, chuyên gia chính sách, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication).

Chuyên gia Nguyễn Chí Dũng: 'Cơ quan Nhà nước còn né tránh cung cấp thông tin cho báo chí'
Ông Nguyễn Chí Dũng, chuyên gia chính sách.

Ông đánh giá như thế nào về việc cung cấp thông tin cho báo chí trong truyền thông chính sách hiện nay?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, việc cung cấp thông tin cho báo chí trong truyền thông chính sách còn chưa tốt.

Theo nghiên cứu của RED điều tra trên 1.000 người, 80% phóng viên báo chí đều đánh giá rằng các cơ quan Nhà nước còn né tránh cung cấp thông tin cho báo chí và theo tôi, điều này là bất lợi cho chính cơ quan Nhà nước đó.

Báo chí không được cung cấp thông tin chính thống sẽ để lại khoảng trống cho các nguồn thông tin không được xác minh khác.

Báo chí là dư luận, nhiệm vụ của báo chí không chỉ là tuyên truyền mà còn là đáp ứng nhu cầu của công luận và nhu cầu thông tin. Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin cho báo chí vì xã hội chúng ta được xây dựng trên cơ sở bầu cử và Nhà nước là do dân bầu.

Mới đây Nhà nước đã ban hành Nghị định số 09/2017/NĐ-CP về quy định về người phát ngôn, ông có ý kiến như thế nào về vai trò của Nghị định này?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Nghị định 09 là một tiến bộ lớn và Nhà nước đã quy định các vị trí cung cấp thông tin về các hành vi của Nhà nước không chỉ dừng lại ở chính sách. Người phát ngôn có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công luận và cho báo chí.

Tuy nhiên phát ngôn của truyền thông Nhà nước không chỉ dừng lại ở người phát ngôn chính thức mà mọi công chức, những người hành xử mối quan hệ hành chính với người dân cũng là người phát ngôn. Người đó phải trả lời trước công chúng việc hành xử nhiệm vụ như thế nào và tại sao các yêu cầu của người dân lại không được thực hiện.

Ông có nhìn nhận gì về hoạt động truyền thông chính sách hiện nay?

Ông Nguyễn Chí Dũng: Có ba vấn đề cơ bản. Thứ nhất là truyền thông chính sách ở giai đoạn hình thành, thứ hai về vấn đề chuẩn bị thủ tục, điều kiện và thứ ba là truyền thông kiểm tra, truyền thông giám sát.

Khi mà chính sách còn là ý tưởng, các bộ ngành đề xuất ra chính sách để chuẩn bị trình đến cơ quan có thẩm quyền thì các ý tưởng chính sách đã phải được truyền thông rồi. Nó sẽ ngăn cản tình trạng người dân bị ngạc nhiên khi chính sách đó được thông qua. Trong giai đoạn hình thành chính sách thì công tác truyền thông đã được thực hiện chưa tốt.

Tiếp theo là trong giai đoạn thực hiện chính sách. Việc chuẩn bị các thủ tục để chính sách được thực hiện một cách suôn sẻ thông thường là chậm.

Trong thời gian đó, việc triển khai tuyên truyền về thủ tục thực hiện chính sách cũng chậm và nhiều khi cũng không được đầu tư. Chính vì thế, khi người dân và các cơ quan Nhà nước thực hiện chính sách thì gặp khó khăn do thủ tục bị ách tắc.

Cuối cùng là quá trình kiểm tra giám sát cũng chưa được tốt. Đến khi vào phiên họp Quốc hội, trên diễn đàn dân cử, mọi người mới đưa ra các vấn đề còn vướng mắc. Vậy lẽ ra, việc truyền thông chính sách, truyền thông kiểm tra giám sát phải được thực hiện từ sớm để người dân được tham gia ý kiến.

Nếu trong cả ba quy trình truyền thông chính sách này chúng ta thực hiện tốt, thì chính sách sẽ phản ánh thực tiễn và được thực hiện một cách suôn sẻ. Thêm vào đó, ý kiến của người dân tham gia đóng góp vào quá trình thực hiện điều chỉnh cũng sẽ được phản ảnh ngay.

Xin cám ơn ông!