Chuyên gia nhân sự chia sẻ bí quyết cạnh tranh với công ty ngoại ngay trên sân nhà

An Chi - 08:10, 05/03/2018

TheLEADERNhững kinh nghiệm thực chiến trước đối thủ cạnh tranh là các công ty đa quốc gia ngay trên sân nhà của ông Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt.

Chuyên gia nhân sự chia sẻ bí quyết cạnh tranh với công ty ngoại ngay trên sân nhà
Ông Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư vấn và đào tạo Nhân Việt

Theo ông Tùng, việc cạnh tranh đối với các công ty nước ngoài ngay trên thị trường Việt Nam không phải là áp lực quá gay gắt đối với đại đa số các công ty trong nước. Bởi vấn đề trước mắt của họ là làm sao để có thể tồn tại. 

"Tồn tại tốt rồi sẽ tính đến các bước tiếp theo để phát triển và từng bước giành lại thị phần", ông Tùng cho hay.

Với nền kinh tế hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giời như hiện nay, theo ông, doanh nghiệp Việt nên có những giải pháp gì để có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài?

Ông Đỗ Xuân Tùng: Từ trước tới nay, nhân sự luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp biết cách chú tâm tạo dựng một đội ngũ nhân sự có chất lượng cao sẽ có thể đứng vững ngay trên sân nhà.

Do đó, tôi cho rằng, khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài về thị phần và khách hàng, bên cạnh việc hướng ra bên ngoài, các doanh nghiệp phải cố gắng làm sao hướng vào bên trong, quan tâm đến việc phát triển và nâng cao năng lực bộ máy nhân sự của mình.

Doanh nghiệp cần có giải pháp để làm thế nào thoả mãn được nhân viên - khách hàng nội bộ của doanh nghiệp. Bởi chính họ mới tạo nên sức mạnh tổng thể của công ty, là động lực để doanh nghiệp phát triển.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang cho rằng khách hàng bên ngoài, các đối tác mới là người trả tiền cho mình. Vì vậy, họ dồn toàn lực chăm sóc cho những đối tượng này thông qua chiết khấu, khuyến mại, ưu đãi. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại không nghĩ được rằng muốn khách hàng đến với công ty, trả tiền mua sản phẩm thì chính đội ngũ nhân viên, sales và marketing mới là người có vai trò quan trọng nhất. 

Không có đội ngũ nhân sự mạnh, tâm huyết với công việc ở lĩnh vực này, công ty sẽ không thể lôi kéo được khách hàng và bán được sản phẩm.

Vậy ông có thể chia sẻ các cách để doanh nghiệp có thể "hướng vào bên trong", quan tâm đến đội ngũ nhân sự của mình?

Ông Đỗ Xuân Tùng: Để có một đội ngũ nhân viên giỏi, trước hết là kỷ luật. Điều này hơi ngược với tư duy của người thường một chút. Kỷ luật sẽ giúp nhân viên phát triển tốt và khẳng định bản thân của họ.

Hơn nữa, khi nhân viên đã quen và phát triển tốt trong môi trường có kỷ luật rồi, thì nó lại như vị muối làm đàn ngựa hoang không sao bỏ được chỗ cỏ mà nó vốn quen ăn trong các máng để sẵn ở chuồng trại do con người chuẩn bị sẵn. 

Thứ hai là lộ trình thăng tiến. Nhiều công ty thiếu hẳn phần này do không có mô tả về công việc cũng như các mức đánh giá sales, giám sát, quản lý, giám đốc. Nhân viên không rõ mình đã đạt chuẩn chưa và nếu đạt chuẩn rồi thì mình nên làm gì để tiếp tục tiến lên chức vị cao hơn. Do đó, họ sẽ luôn có cảm giác mình không được đối xử xứng đáng và không làm việc hết mình.

Thứ ba là thử thách tăng dần cùng với phần thưởng tương xứng ở từng công ty. Điều này sẽ khiến nhân viên luôn đi tìm những đỉnh cao mới so với đẳng cấp hiện tại của họ. Không có cái đó họ thấy như mình không được thể hiện năng lực của mình.

Bên cạnh đó, những cơ hội học thêm kiến thức và kỹ năng cũng thực tế, áp dụng được trong cuộc sống và được truyền thụ bởi chính những người quản lý ở cấp cao hơn cũng chính là một yếu tố quan trọng nếu không nói là thiết yếu với việc giúp nhân viên phát triển và giữ chân họ ở lại với doanh nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nhân viên kinh doanh của Việt Nam hiện nay?

Ông Đỗ Xuân Tùng: Về đội ngũ nhân sự làm kinh doanh của Việt Nam hiện nay, có thể nói rằng vừa thừa vừa thiếu. Chúng ta có rất nhiều người có tiềm năng để làm kinh doanh nhưng lại thiếu những nhân sự được đào tạo về kinh doanh một cách bài bản.

Các bạn trẻ mới ra trường hiện nay hiện đang xuất hiện hai xu hướng, hoặc là làm Grab bike hoặc là khởi nghiệp.

Ở nhóm thứ nhất, các bạn tự ti, chấp nhận cuộc sống như vậy, không xác định được tương lai đi đến đâu mà chỉ cần lương tháng 8 - 9 triệu là tự hài lòng với bản thân, thiếu ý chí vươn lên.

Ở nhóm thứ hai, các bạn lại ước mơ hơi lớn quá, mới vào lập trình nhưng đã muốn một ngày nào đó có thể đè bẹp cả Alibaba. Tôi cho rằng, điều này không phải không thể quan trọng là các bạn cần được đào tạo một cách bài bản cũng như từng bước học hỏi, nâng cao năng lực của bản thân.

Cuộc cách mạng 4.0 đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Ông có cho rằng điều này sẽ tạo áp lực đối với các doanh nghiệp Việt Nam?

Đỗ Xuân Tùng: Cuộc cách mạng 4.0 mang lại một cách tiếp cận mới, công cụ mới để các doanh nghiệp thể hiện năng lực của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh.

Công nghệ 4.0 khiến cho việc tiếp cận giữa doanh nghiệp với khách hàng đễ dàng hơn rất nhiều và ai cũng có thể làm được. Một người bình thường cũng có thể dành 15 phút nghỉ buỏi trưa để đăng một tin quảng cáo trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, mặt trái của nó là trong một thị trường có quá nhiều thứ sẽ khiến cho thông tin đang ngày càng loãng hơn. Trong một môi trường như vậy, càng cần mối quan hệ giữa người với người và những tương tác giao tiếp trực tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Việc này đòi hỏi người làm kinh doanh cần có kinh nghiệm và kỹ năng sâu hơn, không phải ai cũng có thể làm được. Bởi nếu chỉ dựa vào công nghệ cao, phần mềm, mà quên đi điều khách hàng thực sự cần thì rất khó có thể thành công.

Thực tế là số người tham gia bán hàng online ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những số người dời bỏ thị trường cũng không phải là nhỏ. 

Xin cảm ơn ông!