Chuyên gia nói gì về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ án Tân Hoàng Minh?

Minh Khôi - 15:48, 06/04/2022

TheLEADERTheo đánh giá của chuyên gia từ ADB, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng đáng kể thời gian gần đây, nhưng nền tảng cơ sở không đáp ứng kịp, dẫn tới nhiều rủi ro.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết khu vực này tăng trưởng rất mạnh trong năm vừa qua.

Dù vậy, sự gia tăng quá nhanh trong bối cảnh nền tảng cơ sở chưa đáp ứng kịp.

Đơn cử như về phía nhà phát hành, rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng thông tin về trái phiếu và tài sản bảo đảm chưa vững chắc.

Trong khi đó, không phải nhà đầu tư nào cũng là người có kinh nghiệm, thông tin, việc đầu tư còn mang tâm lý theo số đông.

“Có thể thấy từ cả hai phía, sự sẵn sàng, chủ động về thông tin chưa ở mức có thể bảo đảm cho sự phát triển trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Ngoài ra, đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành cũng chưa thực sự phát triển”, ông Cường phân tích trong buổi họp báo mới đây của ADB.

Vị này cho rằng vẫn nên khuyến khích phát triển trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả. Tuy nhiên, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý, cùng như kỹ năng, kiến thức cho cả phía nhà phát hành và người đầu tư để có thể tránh các rủi ro.

Trước thông tin về quyết định hủy bỏ phát hành trái phiếu của ba doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh trên thị trường gần đây, ông Cường đã đưa ra những phân tích vĩ mô.

Theo đó, khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung mình, khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển và các tập đoàn lớn bắt đầu xuất hiện. Thị trường khi này sẽ bị tác động không chỉ bởi các doanh nghiệp nhà nước, mà còn bởi khu vực tư nhân.

“Điều quan trọng là tập trung đảm bảo một thị trường cạnh tranh lành mạnh, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, quản lý thị trường, đặc biệt là hạn chế sự thao túng từ các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong năm năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá nhanh, từ mức chỉ chiếm khoảng 4,9% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP vào cuối năm 2021. Riêng hai tháng đầu năm 2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường đạt gần 26.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Quy mô tăng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phản ánh nhu cầu vốn ngày càng tăng của các doanh nghiệp, trong bối cảnh hoạt động tín dụng truyền thống bị giám sát chặt chẽ.

Trong khi đó, với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang trở thành một công cụ đầu tư mới mang lại nguồn thu thụ động tốt hơn tiền tiết kiệm, nhờ mức lãi suất cao hơn cũng như mức độ an toàn hơn đầu tư cổ phiếu.

Những biến động gần đây liên quan tới các thương vụ phát hành đang cho thấy mức độ rủi ro tăng cao.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của ba công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tổng giá trị của các đợt chào bán trái phiếu lên đến 10.030 tỷ đồng.

Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Ngay sau Ủy ban Chứng khoán công bố thông tin trên, Tân Hoàng Minh cho biết tập đoàn đã đưa ra những phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi khách hàng trong trường hợp một trong các đợt phát hành trái phiếu phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, Tân Hoàng Minh sẵn sàng hoàn trả lại số tiền đã huy động đúng theo quy định pháp luật.