Chuyện 'nghề carbon'

Phạm Sơn - 14:29, 14/02/2024

TheLEADERTín chỉ carbon là sân chơi dành cho những tay chơi chuyên nghiệp, bởi đầu tư một dự án tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon cần không chỉ nhiều tiền mà còn nhiều kiến thức và kinh nghiệm.

Chuyện 'nghề carbon'
Ông Hoàng Anh Dũng, CEO Intraco.

Thành lập từ năm 2001, Intraco là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tham gia vào nghiên cứu, đầu tư để tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon.

Tính đến hiện tại, công ty này đã bán một lượng lớn tín chỉ carbon cho đối tác quốc tế, tiêu biểu phải kể đến việc chuyển nhượng hơn 1 triệu tín chỉ carbon cho Citigroup thông qua một dự án có ý nghĩa sâu sắc về cả môi trường và xã hội.

TheLEADER có buổi trò chuyện đầu xuân với ông Hoàng Anh Dũng, CEO Công ty Intraco, về tiềm năng, cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon và những lưu ý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp mong muốn tham gia vào thị trường này.

Xin ông giải thích cách hiểu đúng về thị trường carbon?

Ông Hoàng Anh Dũng: Để hiểu về thị trường tín chỉ carbon, đầu tiên phải hiểu carbon ở đây không phải để chỉ riêng khí thải CO2, mà được hiểu rộng ra bao gồm sáu loại khí được Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) liệt kê là gây ra hiệu ứng nhà kính, bao gồm CO2, CH4 (methane), N2O, HFC, PFC và SF6.

Sáu loại khí này có mức độ gây hại tới môi trường không giống nhau, đơn cử như CH4 gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh hơn 25 lần, hay các đồng vị của khí HFC gấp từ 50 đến 14.800 lần so với khí CO2. Điều đó có nghĩa là giảm được một tấn khí thải CH4 tương đương với giảm 25 tấn khí thải CO2, tương tự với các loại khí khác.

Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính được quy đổi về CO2. Cứ giảm một tấn khí CO2 quy đổi, ta thu về được một tín chỉ carbon. Các tín chỉ carbon này cần phải được chứng nhận bởi một trong số các nền tảng phát hành tín chỉ, ví dụ như UNFCCC, Gold Standard, Verra hay Plan Vivo.

Thị trường tín chỉ carbon là nơi giao dịch những tín chỉ carbon đó. Chưa có thống kê chính thức nhưng tôi ước tính có khoảng 100 thị trường carbon đang vận hành trên thế giới, có thể kể đến những thị trường tín chỉ carbon quốc gia như của Trung Quốc, Úc, hay một số sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện của tư nhân như Climate X (Singapore), CME (Mỹ)…

Nói là cứ giảm một tấn CO2 quy đổi tạo ra được một tín chỉ carbon nhưng tín chỉ carbon này còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Về cơ bản, có bốn tiêu chí như sau.

Thứ nhất, tín chỉ phải xuất phát từ một dự án có công nghệ, phương pháp luận được phê duyệt bởi tiêu chuẩn carbon, lấy đơn cử như UNFCCC chấp nhận hơn 200 công nghệ, có thể kể đến bao gồm sản xuất điện tái tạo nối lưới hay giảm phát thải từ cải tạo đất.

Thứ hai, các chứng chỉ carbon được tạo ra từ dự án có tính bền vững và không thể bị đảo ngược. Ví dụ như các nhà máy sản xuất cồn có thể thu hồi và hóa lỏng rất nhiều khí thải CO2 nhưng nếu bán lượng CO2 này cho nhà máy sản xuất nước giải khát để tạo nước ngọt có ga thì không được chấp nhận là tín chỉ carbon.

Thứ ba, phải có một bên thứ ba thẩm định, xác nhận sự tồn tại và tính khả thi của dự án tạo tín chỉ.

Cuối cùng, phải được đăng ký với một tiêu chuẩn phát hành tín chỉ carbon, chính là các nền tảng phát hành tín chỉ đã nói ở trên.

Chuyện nghề carbon
Việt Nam có nhiều tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon. Ảnh: Hoàng Anh

Công cụ này có điểm gì ưu việt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thưa ông?

Ông Hoàng Anh Dũng: Hiện nay, nhu cầu giảm phát thải carbon đang tăng cao. Một số quốc gia sử dụng tín chỉ carbon làm thước đo để đánh thuế carbon. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn mua tín chỉ carbon để thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải, bền vững hóa chuỗi cung ứng.

Nhu cầu tạo ra thị trường, ở đó tín chỉ carbon là một tài sản có giá, giống như cổ phiếu, có thể sử dụng để đầu tư hoặc đầu cơ.

Chính vì vậy, công cụ tín chỉ carbon có ý nghĩa rất lớn, là động lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án thu hồi phát thải, bảo vệ môi trường. Mỗi dự án như vậy rất tốn tiền, không có hiệu quả thì lấy đâu ra động lực mà làm?

Tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam là như thế nào?

Ông Hoàng Anh Dũng: Việt Nam có lợi thế rất lớn trong việc tạo ra tín chỉ carbon, với đường bờ biển dài hơn 3 nghìn km, diện tích rừng lớn, có ngành nông nghiệp quy mô lớn.

Ví dụ, trồng rừng hay xử lý chất thải chăn nuôi đều có thể tạo ra tín chỉ carbon. Như chúng ta đã biết, các địa phương có nhiều rừng hay có kinh tế tập trung vào nông nghiệp thường không giàu, thu ngân sách mỗi năm khoảng vài trăm tỷ. Nếu phát triển tốt các dự án tín chỉ carbon, địa phương đó có thể thu về hàng ngàn tỷ đồng.

Đó là chưa kể đến những lĩnh vực khác. Việt Nam liệt kê năm lĩnh vực đóng góp vào cam kết giảm phát thải quốc gia tự nguyện (NDC), bao gồm năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; quản lý chất thải và các quá trình công nghiệp.

Cần ban hành cơ chế để kích hoạt cơ hội lớn từ thị trường tín chỉ carbon

Tất cả các lĩnh vực này đều có thể khai thác tín chỉ carbon, đơn cử, trong năng lượng có các hình thức điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện địa nhiệt, hay trong quản lý chất thải có thể ứng dụng công nghệ thu hồi khí CH4 ở các bãi rác.

Cơ hội lớn như vậy nhưng chúng ta cần có cơ chế để kích hoạt. Cơ chế giúp cho dự án tạo tín chỉ carbon được thương mại hóa, đồng thời quy định chi tiết xem giảm phát thải bao nhiêu là đủ để đóng góp vào NDC, còn thừa bao nhiêu để bán ra bên ngoài.

Quốc tế họ làm được điều này rồi. Không chỉ nước giàu mà nước nghèo cũng đã làm được rồi. Như Tazania là một quốc gia nghèo ở châu Phi, đã ban hành quy định rõ ràng, cho phép các doanh nghiệp đầu tư tạo tín chỉ. Một ngày sau khi quy định được ban hành, nước này đã huy động được hơn 20 tỷ USD đầu tư vào giảm phát thải để tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các bên liên quan đang tích cực nghiên cứu, và theo tôi, sẽ sớm ban hành chính sách, cơ chế rõ ràng giúp Việt Nam kích hoạt cơ hội khổng lồ từ tín chỉ carbon.

Xin ông giới thiệu về một số dự án tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon mà Intraco đã và đang triển khai?

Ông Hoàng Anh Dũng: Chúng tôi đã ký thỏa thuận với Citigroup, một công ty tài chính tại Mỹ, để phát triển dự án bao gồm Chương trình bếp sạch Việt Nam và Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân.

Đối với Chương trình bếp sạch Việt Nam, chúng tôi nghiên cứu, thiết kế ra một loại bếp củi tiết kiệm năng lượng, có thể giảm được 70% lượng củi tiêu thụ và 90% khói bụi phát sinh, sau đó phát cho những hộ gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa vẫn đang sử dụng củi để đun nấu.

Hộ gia đình nào đồng ý nhận bếp, chúng tôi cho họ ký thỏa thuận giao quyền giảm phát thải cho chủ dự án. Hàng năm, Intraco thống kê ngẫu nhiên một tỷ lệ nhất định để tính toán lượng củi tiêu hao trung bình, quy đổi ra lượng CO2 giảm thiểu được.

Ở hợp phần thứ hai là Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân, chúng tôi cũng phát miễn phí các máy lọc nước cho các hộ gia đình để sử dụng nước uống trực tiếp từ vòi sau khi lọc, thay vì phải đun nước như trước đây. Nhu cầu đun nước giảm thì sẽ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.

Tính đến hiện tại, chúng tôi đã phân phát khoảng 850 nghìn bếp đun cải tiến và 364 nghìn bình lọc nước cho bà con, chuyển nhượng được khoảng 1,1 triệu tín chỉ carbon cho phía Citigroup.

Citigroup “mua buôn” tín chỉ carbon từ Intraco để bán cho một số đối tác là các tập đoàn lớn trên thế giới có nhu cầu trung hòa carbon trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh dự án này, Intraco còn tiến hành khoảng hơn 20 dự án tạo ra tín chỉ carbon, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Lào, Campuchia và Philippines. Hiện tại, tôi đang có dự định sẽ triển khai thêm dự án ở 10 quốc gia khác nữa.

Một số dự án tạo tín chỉ carbon của Intraco đang được tiến hành có thể kể đến như tặng miễn phí bóng đèn LED thay cho bóng đèn sợi đốt ở hơn 1 triệu hộ gia đình hay cung cấp miễn phí những lò nung để chế tạo than sinh học, sản xuất ra phân bón từ những phụ phẩm nông nghiệp. Loại phân bón sinh học này có thể hấp thụ CO2 trong khí quyển.

Nói chung tôi làm rất nhiều. Nhân viên của tôi hay đùa “anh Dũng nhìn thấy một chiếc lá rơi cũng nghĩ ra dự án tín chỉ carbon”. Bởi đúng là nhìn thấy bất cứ sự vật, hiện tượng nào, tôi đều nghĩ xem liệu chúng có thể tạo ra sản phẩm nào hữu ích cho môi trường.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Ông có lưu ý gì cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang có mong muốn này?

Bền vững là phải lợi mình, lợi người và lợi chúng sinh.

Ông Hoàng Anh Dũng: Làm một dự án tạo tín chỉ carbon không phải là điều đơn giản. Theo tôi, điều đầu tiên khi tham gia vào sân chơi này là phải hiểu được bài toán kinh tế, tài chính.

Lấy ví dụ như dự án bếp đun tiết kiệm năng lượng, chúng tôi phải tiến hành hàng chục nghiên cứu, có nghiên cứu tốn đến mấy chục nghìn USD. Để một dự án có thể vận hành, tạo ra tín chỉ carbon và thương mại hóa, tốn hàng triệu USD là điều bình thường.

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả. Nhiều người giàu lắm, nhưng nếu không đủ kiến thức, kinh nghiệm thì không thể thành công được. Ví dụ như tín chỉ carbon từ mỗi loại phương pháp luận sẽ có giá bán khác nhau, từ 1 cent (0,01USD) đến 4 nghìn USD.

Nếu đầu tư tiền tỷ vào dự án mà thu được loại tín chỉ có giá chỉ vài cent thì nhà đầu tư lỗ chắc. Mà dự án đã lỗ thì không thể nào bền vững được. Bền vững, theo tôi là phải lợi mình, lợi người và lợi chúng sinh. Chỉ chạy theo giá trị môi trường mà không tính đến thu lợi nhuận thì dự án lấy đâu nguồn lực để vận hành?

Vậy nên đây không phải sân chơi cho người nghiệp dư. Cần phải có kiến thức và kinh nghiệm. Giống như việc sản xuất tên lửa vậy, các tỷ phú trên thế giới không thiếu tiền nhưng để làm ra tên lửa như Space X của ông Elon Musk thì không phải ai cũng dám làm.

Bản thân tôi cũng phải biết hơn 170 phương pháp luận tạo tín chỉ carbon mới có thể triển khai các dự án. Học kiến thức của lĩnh vực này giống như học ngoại ngữ vậy, không phải vài ngày, vài tháng, vài năm là xong mà phải học và thực hành liên tục.

Xin cảm ơn ông!